Nhiều người dân kiến nghị, cơ quan chức năng cần phải lắp camera cả nơi CSGT dừng xe, xử lý người vi phạm để tránh tiêu cực.

Sau một thời triển khai, việc xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát bước đầu cho thấy hiệu quả và được đông đảo người dân thủ đô ủng hộ.

Hiện nay, tại Hà Nội có gần 400 camera được lắp đặt tại các ngã ba, ngã tư trên địa bàn. Hệ thống camera này được kết nối với Trung tâm điều khiển giao thông TP Hà Nội. Khi phát hiện trường hợp vi phạm, cán bộ trực tại trung tâm sẽ thông báo qua bộ đàm, điện thoại để CSGT chốt trực trên đường tiến hành dừng xe, xử lý người vi phạm.

Ngoài ra, các trường hợp vi phạm cũng có thể bị ghi lại hình ảnh. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ gửi giấy mời chủ phương tiện tới làm việc.

 

Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội. 

Ông Long (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) một trong những người từng bị xử phạt qua hệ thống camera giám sát cho biết, nếu không có hệ thống camera thì nhiều khi ngay cả người chạy xe phạm luật cũng không biết mình đã vi phạm.

“Ban đầu, khi bị CSGT dừng xe, tôi thấy rất bất ngờ vì không biết mình vi phạm gì. Nhưng sau khi được CSGT cho xem lại hình ảnh thì đúng là tôi có đi qua vạch trước khi đèn xanh bật 3 giây. Lúc đó tôi không để ý đèn đỏ, thấy một hai người nổ máy chạy nên tôi cũng đi theo. Lần xử phạt này giúp tôi rút kinh nghiệm, từ sau sẽ chú ý đi đúng luật để không bị camera bắt lỗi”, ông Long nói.

Anh Nguyễn Xuân Phương (phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm) cũng rất ủng hộ việc xử phạt qua camera giám sát. 

“Các nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng xử phạt vi phạm giao thông qua camera từ lâu. Tôi thấy rất mừng vì hiện nay nước mình cũng đã triển khai phương pháp này. Với những hình ảnh do camera ghi lại thì người vi phạm sẽ hết đường cãi. 

Sau một thời gian Hà Nội triển khai hình thức giám sát này, tôi thấy ý thức của người dân tại một số nút giao thông đã tốt hẳn lên. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng bám vạch, vượt đèn đỏ đã giảm hẳn đi”, anh Phương nói.

 

Một trường hợp vi phạm bị camera ghi lại.

“Ngoài việc phát hiện, xử lý các vi phạm giao thông, hệ thống camera còn có ý nghĩa rất lớn trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Điển hình là việc điều tra các vụ tai nạn giao thông, ghi lại được quá trình tai nạn hoặc truy được chiếc xe bỏ chạy theo hướng nào để chặn bắt… 

Tôi muốn ở khắp các địa phương đều lắp camera giao thông chứ không có ở các thành phố lớn như hiện nay”, bà Trần Thị Mai, quận Nam Từ Liêm chia sẻ.


Cũng ủng hộ việc xử phạt qua camera giám sát, nhưng anh Nguyễn Văn Nam cho rằng, hiện nay, lực lượng chức năng vẫn chủ yếu là “phạt nóng” người vi phạm, tức CSGT chốt trực trên đường tiến hành xử lý người vi phạm ngay sau khi được thông báo từ Trung tâm điều khiển giao thông. CSGT dường như chưa thực hiện gửi phiếu phạt tới tận nhà chủ phương tiện.

“Việc gửi phiếu phạt hiện nay có lẽ chỉ áp dụng cho một vài trường hợp ô tô vi phạm. Xe máy thì hầu như không bị phạt nguội như vậy. Nhiều ý kiến cho rằng, việc gửi phiếu phạt cho người vi phạm thông qua biển số xe là rất khó vì nước ta có nhiều xe không chính chủ. 

Nhưng theo tôi, tại sao cơ quan chức năng không tiến hành rà soát lại toàn bộ các phương tiện trên cả nước, thực hiện sang tên đổi chủ cho các phương tiện không chính chủ… Trong trường hợp có thể, nếu chủ phương tiện có tài khoản ngân hàng thì cơ quan chức năng cũng tiến hành thống kế. 

Từ đó, chúng ta hoàn toàn có thể phối hợp với các ngân hàng thu tiền phạt trực tiếp qua tài khoản này. Điều này vừa giảm bớt thời gian, thủ tục xử phạt, vừa khiến người tham gia giao thông sợ mà không vi phạm”, anh Nam bày tỏ quan điểm.

 

CSGT cho người dân xem hình ảnh vi phạm. 

Góp ý để việc xử phạt qua camera đạt hiệu quả cao hơn, anh Nguyễn Văn Sơn ở quận Thanh Xuân nói: “Để việc xử phạt có hiệu quả, người vi phạm bớt cự cãi thì cơ quan chức năng nên rà soát lại hệ thống biển báo và vạch sơn phân làn tại các nút giao thông. Tôi thấy hiện nay, tại một số ngã ba ngã tư vạch phân làn rất mờ, lái xe nhiều khi không thể quan sát được.”

Anh Sơn cho biết thêm, cơ quan chức năng cần phải trang bị thêm camera và tiến hành xử phạt tại các điểm quay đầu xe. “Tại điểm quay đầu xe dưới gầm đường cao tốc trên cao, đoạn đối diện tòa nhà Keangnam tình trạng đi ngược chiều, quay đầu xe sai quy định diễn ra rất phổ biến. 

Đây cũng là tình trạng chung tại các điểm quay đầu gần đường rẽ vào khu dân cư. Nhiều người bất chấp nguy hiểm đã đi ngược chiều, sang đường sai quy định cho nhanh, cho tiện. Những điểm này cũng rất cần phải có camera giám sát để giao thông bớt hỗn loạn,” anh Sơn nói.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc giám sát người tham gia giao thông thì cơ quan chức năng cũng cần phải trang bị camera tại vị trí CSGT dừng xe, xử lý người vi phạm để tránh tiêu cực.

“Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải lắp camera tại vị trí CSGT dừng xe, lập biên bản xử lý người vi phạm. Hoặc CSGT phải lập biên bản xử lý người vi phạm ở vị trí mà hệ thống camera hiện nay có thể quan sát được. Điều này mới tránh được tình trạng người vi phạm được tha vì nể nang hoặc CSGT nhận tiền tại chỗ rồi lại cho đi”, ông Hoàng, một người dân ở quận Nam Từ Liêm kiến nghị.
 
Ngoài các ý kiến nói trên, nhiều người dân cũng tỏ ra thắc mắc rằng, nếu tiền hành xử phạt nguội thì những trường hợp phương tiện chở người bị thương đi cấp cứu, hay xe bus đi sai làn, phóng nhanh vượt ẩu… thì xử lý ra sao.

“Chẳng hạn, khi gặp vụ tai nạn giao thông, tôi dùng xe của tôi để chở người bị nạn đi cấp cứu và có vượt đèn đỏ trên đường đi. Tuy nhiên, khi đó không có lực lượng CSGT chốt chặn trên đường. Nếu CSGT ghi lại biển số rồi gửi phiếu phạt cho tôi thì có công bằng, hợp lý hay không. Hiện nay, tôi thấy trường hợp xe biển xanh, xe bus phóng nhanh, đi sai làn khá phố biến. Vậy trường hợp này CSGT có xử phạt hay không”, anh Trần Xuân Bắc, quận Hà Đông nói.
 
Theo VTC
Mời bạn xem thêm: