Cùng với sự ra mắt của dòng máy bay tiêm kích tấn công F-35B Lightning II thì phi công trên những chiếc máy bay này cũng được trang bị một món "đồ chơi" mới mũ bảo hiểm F-35 Gen III HMDS. Đây là chiếc mũ hoàn toàn mới cho phép phi công… nhìn xuyên máy bay, nhắm bắn mục tiêu bằng nhãn cầu...
 
F-35 Gen III Helmet Mounted Display System (HDMS) được phát triển bởi nhà thầu phòng thủ Rockwell Collins. Về cơ bản, F-35 Gen III sẽ đưa màn hình HUD thường trình chiếu trên một miếng kính phía trước buồng lái lên kính chắn trên mũ phi công. Điều này có nghĩa phi công sẽ luôn ở trong trường quan sát và có thể thấy các dữ liệu hữu ích như đường chân trời, tốc độ bay, độ cao và trạng thái vũ khí mà không cần biết đang nhìn theo hướng nào.

Bên cạnh việc bảo vệ đầu cho phi công trước khả năng va đập với vòm kính che buồng lái cùng các phụ kiện cơ bản như mặt nạ dưỡng khí và kính chống chói, F-35 Gen III còn được thiết kế để tăng cường khả năng nhận thực tình huống cho phi công. Ở độ cao giao chiến khoảng vài ngàn feet và tốc độ lên đến Mach 1.6 thì việc giúp phi công biết được những gì đang xảy ra phía trước, 2 bên, phía trên và bên dưới máy bay là điều tối cần thiết.
Những yếu tố vừa nêu vượt ra ngoài những dữ liệu chuyến bay mà phi công có thể nắm bắt. Chính vì vậy, nhà thầu Rockwell Collins đã bỏ ra một nửa thập kỷ để phát triển hệ thống liên kết giữa mũ bảo hiểm với các hệ thống quan trọng trên máy bay. Như Phil Jasper - phó chủ tịch điều hành các hệ thống dành cho chính phủ thuộc Rockwell Collins cho biết: "Chiếc mũ này trở thành một phần của hệ thống trên máy bay."
Thông tin từ 6 camera đặt xung quanh máy bay sẽ được truyền đến mũ bảo hiểm để tạo ra một trường quan sát 360 độ. Khi phi công nhìn xuống, anh ta sẽ không nhìn thấy đầu gối như mọi khi mà sẽ nhìn xuyên máy bay, tức là có thể biết được những gì đang ở bên dưới, tương tự với các hướng nhìn khác. Một hệ thống nhìn ban đêm tích hợp sẽ giúp phi công nhìn xuyên bóng tối mà không cần phải mở kính goggle. Phi công thậm chí có thể nhắm bắn các loại vũ khí trên máy bay chỉ bằng một cái liếc mắt nhờ khả năng theo dõi chuyển động nhãn cầu tích hợp trên mũ.
Chiếc mũ được chế tạo bằng vật liệu sợi carbon vừa bền vừa nhẹ, khoảng 2,2 kg. Nó được tùy biến cho mỗi phi công để họ có thể đội vừa vặn với kích thước đầu cũng như đảm bảo hệ thống quan sát hoạt động tối ưu nhất. Mỗi phi công sẽ trải qua một quá trình điều chỉnh kéo dài 2 ngày để đo đạt các thông số, chẳng hạn như cân chỉnh dọc ngang đồng tử, khoảng cách giữa 2 mắt và những biến số khác trước khi sử dụng chiếc mũ được làm riêng cho mình.
Theo Jasper: "Các hiệu ứng thị giác và cách thông tin được hiển thị trên kính chắn đã được nghiên cứu rất nhiều." Ông cho biết họ phải thiết kế làm sao để phi công không bị chóng mặt khi quan sát qua chiếc mũ và cũng không cần điều chỉnh mỗi khi đội. Nhờ được chế tạo tùy biến nên các phi công chỉ việc đội và kích hoạt mũ bảo hiểm để thấy những gì cần thấy. Nếu thích đeo thêm kính mắt, chiếc mũ vẫn đủ rộng để không gây cấn khi đội.
 
Theo Lao Động
Mời bạn xem thêm: