Có nên giới hạn các trường hợp cần camera giám sát việc hỏi cung
“Không nên quy định ghi âm, ghi hình tất cả các cuộc hỏi cung bị can, chỉ nên quy định ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trong những trường hợp bị kêu oan, không nhận tội hoặc các bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng” - Thiếu tá Ngô Đức Thắng nói.
Ông Ngô Đức Thắng (Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an) phát biểu tại hội thảo.
Quan điểm trên được Thiếu tá Ngô Đức Thắng (Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an) đưa ra tại hội thảo “Công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung - Tác động đa chiều” do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hôm qua 15/9.
Theo ông Thắng, quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đến nay còn một vấn đề gây tranh cãi, đó là quy định về ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can nhằm chống bức cung, dùng nhục hình.
“Cần khẳng định rằng quy định về việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là một quy định tiến bộ, ngoài việc góp phần bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình thì việc ghi âm, ghi hình còn bảo vệ người hỏi cung trước sự vu cáo về việc bức cung, dùng nhục hình”- ông Thắng nói.
Để chống bức cung, nhục hình thì giải pháp lâu dài, hiệu quả nhất là xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn nghiệp vụ giỏi, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam hiện nay cần phải tính toán, cân nhắc cho phù hợp.
“Nếu quy định ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là hoạt động giám sát thì việc ghi âm, ghi hình phải được tiến hành độc lập với người hỏi cung. Điều này có nghĩa là hoạt động ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung không phải do người tiến hành hỏi cung thực hiện. Quy định theo hướng này sẽ có vấn đề đặt ra cần giải quyết, đó là thực hiện ghi âm, ghi hình ở những địa điểm ngoài trụ sở của cơ quan điều tra, trại tạm giam, nhà tạm giữ thì cần một lực lượng lưu động với trang bị máy móc để thực hiện”- ông Thắng phân tích.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp, cùng một cơ quan điều tra phải hỏi cung trong cùng thời điểm ở nhiều địa điểm khác nhau ngoài trụ sở cơ quan điều tra, trại tạm giam, nhà tạm giữ. Khi đó việc giữ bí mật điều tra khi cán bộ thực hiện ghi âm, ghi hình không phải là điều tra viên thụ lý vụ án sẽ trở thành vấn đề đáng lo ngại.
Còn nếu để ghi nhận chứng cứ do chính điều tra viên thực hiện thì việc giám sát gần như không có ý nghĩa và thời gian hỏi cung sẽ bị tăng lên gấp đôi vì để đảm bảo tính công khai minh bạch, ngoài việc phải đọc lại cho bị can nghe biên bản hỏi cung thì điều tra viên còn phải mở lại băng ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung cho bị can nghe, xem lại công nhận đúng và ký vào biên bản xác nhận.
Đại diện Bộ Công an khẳng định hoạt động điều tra không phải hoạt động hành chính đơn thuần, việc hỏi cung bị can diễn ra tuần tự, đều đặn. “Có những thời điểm số lượng vụ án hình sự tăng đột biến hoặc có những vụ án với hàng chục bị can cần phải hỏi đồng thời, nếu không trang bị đủ phương tiện kỹ thuật ghi âm, ghi hình thì không đáp ứng kịp thời yêu cầu điều tra vụ án. Còn nếu trang bị phương tiện đáp ứng đủ trong thời điểm này thì kinh phí, cơ sở vật chất khó có thể đáp ứng được, ngoài ra sẽ gây lãng phí trong các thời điểm khác”- ông Thắng nói.
Việc bảo quản, bảo mật, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can cũng cần phải tính toán vì trung bình mỗi năm trên toàn quốc có trên 10.000 bị can, mỗi bị can phải hỏi cung ít nhất 2 lần, có bị can phải hỏi cung hàng chục lần và cùng với đó là việc định thời hạn bảo quản đối với việc lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình trong bao lâu là phù hợp.
Đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an, cho rằng chỉ nên giới hạn hoạt động ghi âm, ghi hình ở phòng hỏi cung. Trong ảnh: Ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) trong buổi chính thức được minh oan.
“Trên cơ sở đánh giá một cách toàn diện, chúng tôi cho rằng để đảm bảo yêu cầu, mục đích đề ra, đồng thời bảo đảm tính khả thi thì không nên quy định ghi âm, ghi hình tất cả các cuộc hỏi cung bị can, chỉ nên quy định ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trong những trường hợp bị kêu oan, không nhận tội hoặc các bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”- ông Thắng nêu quan điểm.
Khẳng định phương pháp lắp đặt camera tại các phòng hỏi cung mang lại hiệu quả nhất để chống lại bức cung, nhục hình nhưng luật sư Nguyễn Thị Khánh Linh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) thừa nhận: “Nói là một việc, còn thực hiện nó trong điều kiện ngày nay là cả một vấn đề nan giải. Chẳng hạn, lắp camera cũng chỉ mới giám sát ở buồng hỏi cung, còn ở buồng tạm giam thì sao, nếu cơ quan điều tra vừa điều tra, vừa giam giữ thì khó có thể minh bạch trong chuyện lấy thông tin từ camera. Nếu điều tra viên không dùng nhục hình trong phòng lấy cung mà ở nơi khác thì sao ?”- bà Linh đặt vấn đề.
Không khai báo không thể bị coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
TS. Nguyễn Văn Hương (khoa Pháp luật hình sự - ĐH Luật Hà Nội) khẳng định quyền im lặng là quyền của người bị buộc tội trong hoạt động tố tụng hình sự. Quyền im lặng có thể hiểu là quyền không khai báo, trình bày bất kỳ điều gì về hành vi phạm tội hay những tình tiết liên quan đến cáo buộc phạm tội của một người.
“Để đảm bảo quyền con người, nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự mà các quốc gia đều thừa nhận là nguyên tắc suy đoán vô tội, tức là người bị buộc tội có quyền được suy đoán là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội theo luật. Đồng thời để chống việc tự buộc tội - tự chống lại mình, làm hại chính mình - hành vi đi ngược lại đạo lý, lẽ sống bình thường của con người”- ông Hương phân tích.
Mặt khác, trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cá nhân của người phạm tội đối với nhà nước. Trách nhiệm chứng minh một người có tội hay không có tội thuộc về nhà nước dù người đó có thừa nhận hay không thừa nhận tội phạm, hợp tác hay không hợp tác trong việc điều tra làm rõ sự thật của vụ án.
“Sự “im lặng” là quyền vì vậy mà người bị buộc tội có thể sử dụng hoặc không sử dụng quyền này. Tức là họ có thể im lặng hoặc đưa ra lời khai, lời bào chữa cho hành vi của mình; im lặng suốt quá trình tố tụng hoặc chỉ im lặng khi thấy cần thiết để không nói ra những điều bất lợi cho mình... Việc họ im lặng, không khai báo, không hợp tác trong điều tra, xử lý tội phạm không thể bị coi là ngoan cố hoặc là tình tiết để tăng nặng trách nhiệm hình sự”- ông Hương khẳng định.
Kiến nghị tại hội thảo, Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án quân sự Trung ương - cũng cho rằng đã tới lúc cần quy định về quyền im lặng trong một phạm vi hợp lý, khả thi, ít nhất thể hiện ở một số điểm: Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền không khai báo để buộc tội mình trong mọi giai đoạn tố tụng và họ phải được giải thích về quyền đó; Không được coi việc người bị tạm giữ, bị cáo, bị can không khai báo là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có luật sư thì việc lấy lời khai, hỏi cung phải có mặt luật sư.
“Lời khai nhận nhận tội của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo vi phạm các quy định trên thì không có giá trị chứng minh”- ông Độ nêu quan điểm.
Theo Dân Việt
Mời bạn xem thêm: