Khi tìm hiểu về thẻ nhớ, có 3 điểm bạn cần lưu tâm: định dạng vật lý, dung lượng thẻ và tốc độ chuyển dữ liệu. Mỗi điểm đều có sự phân loại khác nhau, cung cấp cho người dùng nhiều lựa chọn, từ một chiếc microSD 1GB Class 2 cho đến một chiếc SDXC UHS-1 32GB.

Nếu bạn thường xuyên mang theo một chiếc smartphone, máy MP3, máy ảnh kỹ thuật số, máy quay bỏ túi... thì thẻ nhớ hẳn nhiên là vật dụng bất ly thân để đảm bảo cho cuộc sống số của bạn trôi chảy như ý muốn. Dù thiết bị bạn mới mua có kiểu dáng thời trang, tính năng ưu việt, nhưng nếu không có một chiếc thẻ nhớ SD đi kèm thì nó cũng chỉ như một đồ vật trang trí, hay cùng lắm cũng chỉ thực hiện được những chức năng cơ bản nhất. Trong số các loại thẻ nhớ hiện nay, thẻ SD đã nổi lên và trở thành định dạng lưu trữ dữ liệu phổ thông nhất, nhưng không đơn giản chỉ có vậy. Điều làm nên sự khác biệt ở mỗi chiếc thẻ SD là những đặc điểm riêng về hình dáng, dung lượng và tốc độ cho phép, do vậy việc chọn một chiếc thẻ nhớ SD phù hợp với bản thân có thể khiến cho bạn lúng túng nếu không tìm hiểu thật kĩ về họ thẻ nhớ này.


Khi tìm hiểu về thẻ nhớ, có 3 điểm bạn cần lưu tâm: định dạng vật lý, dung lượng thẻ và tốc độ chuyển dữ liệu. Mỗi điểm đều có sự phân loại khác nhau, cung cấp cho người dùng nhiều lựa chọn, từ một chiếc microSD 1GB Class 2 cho đến một chiếc SDXC UHS-1 32GB.

Định dạng vật lý

Điều đầu tiên bạn cần quan tâm khi tìm mua một chiếc thẻ nhớ là thiết bị bạn đang dùng yêu cầu định dạng thẻ nhớ nào. Các loại máy ảnh, máy quay phim, smartphone, máy nghe nhạc… khác nhau sẽ sử dụng thẻ có kích thước khác nhau. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng loại thẻ nhỏ nhất và dùng một chiếc adapter để lắp vào thiết bị của bạn, tuy nhiên sẽ tiện hơn nhiều nếu bạn chọn mua được một chiếc thẻ nhớ có kích thước “đo ni đóng giày” cho thiết bị mà bạn sử dụng.

Thẻ SD loại tiêu chuẩn có kích thước lớn nhất và cũng có lịch sử phát triển lâu đời nhất. Thẻ có kích thước 32x24x2.1 mm (Dài x Rộng x Dày), nặng 2 gam và cắt vát ở góc thẻ. Hầu hết các máy ảnh trên thị trường hiện nay đều sử dụng thẻ SD có kích thước tiêu chuẩn. Tuy đây là loại lớn nhất trong số các thẻ SD hiện nay, song kích thước thực tế của chúng vẫn còn rất nhỏ, chưa thấm vào đâu so với loại thẻ CompactFlash mà các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường sử dụng trên những chiếc máy ảnh kỹ thuật số cao cấp, chẳng hạn như chiếc máy ảnh chuyên dụng Canon 1D Mark IV.

Thẻ MiniSD, định dạng thẻ ít được sử dụng nhất hiện nay, có kích thước 21.5x20x1.4 mm và chỉ nặng 1 gam, khiến cho thể tích của chúng chỉ bằng một phần ba thể tích của thẻ SD tiêu chuẩn, trong khi diện tích chỉ bằng một nửa. Thay vì được cắt góc, thẻ miniSD thường được bo tròn ở đầu để giúp người dùng điều hướng dễ dàng khi lắp vào khe cắm. Thiết kế này cũng được áp dụng trên thẻ microSD, loại thẻ nhỏ nhất hiện nay.
Thẻ microSD, loại thẻ đang được sử dụng trên phần lớn điện thoại di động và smartphone hiện nay, có kích thước 15x11x1 mm và chỉ nặng nửa gam. Với thể tích khoảng 165 mm3, bạn có thể lắp được 9 chiếc thẻ microSD vào một khe cắm SD ( tuy nhiên trên thực tế bạn chỉ lắp được 6 thẻ do sự chênh nhau giữa các gờ thẻ khi được xếp cạnh nhau.)

Nhìn chung, thẻ microSD có giá rẻ hơn một chút so với thẻ SD nếu xét trên cùng kích thước và tốc độ đọc dữ liệu.

Dung lượng

Dung lượng thẻ nhớ được hiểu rất đơn giản. Thẻ SD có nhiều loại dung lượng khác nhau, và tùy thuộc vào dung lượng này người ta phân ra từng loại thẻ. Cần biết là loại thẻ mà người ta hay gọi là microSD thường được sử dụng cho nhiều loại smartphone hiện nay không phải là thẻ microSD thực thụ mà chính là thẻ microSDHC (Micro Secure Digital High Capacity). Các thẻ SD tiêu chuẩn có dung lượng tối đa là 2GB, được phân loại dựa trên dung lượng và thiết bị mà chúng được sử dụng. Về mặt kỹ thuật, các thẻ SD hiện hành là loại thẻ SDHC với dung lượng vào khoảng 4GB đến 32GB. Loại thẻ có dung lượng lớn nhất là SDXC (Secure Digital Extended Capacity), có dung lượng giao động trong khoảng 64GB đến 2TB. (Tuy nhiên, thực tế hiện nay không có loại thẻ nào đạt tới dung lượng này, thẻ có dung lượng lớn nhất chỉ là 128GB.)

Nhiều người cho rằng thẻ có dung lượng càng lớn thì càng tốt, tuy nhiên bạn cần chắc chắn thiết bị của bạn có thể tương thích với những chiếc thẻ dung lượng lớn như vậy hay không. Các loại thẻ SD/SDHC/SDXC không chỉ được phân loại dựa trên dung lượng mà còn dựa vào thiết bị mà chúng hỗ trợ. Chẳng hạn, các dòng máy ảnh đời cũ chỉ có thể đọc thẻ SD mà không tương thích với thẻ SDHC. Tương tự, những dòng máy ảnh không hỗ trợ thẻ SDXC sẽ không chấp nhận loại thẻ 64GB. Phần lớn thiết bị hiện nay đã có thể tương thích thẻ SDHC, nhưng nếu đang sở hữu một chiếc máy ảnh cũ, hãy kiểm tra lại một lần nữa trước khi mua loại thẻ này, tương tự như việc kiểm tra một thiết bị mới trước khi mua thẻ SDXC.

Tốc độ

Thẻ SD cũng có thể được phân loại dựa trên tốc độ đọc dữ liệu. Nếu bạn đang sở hữu một chiếc máy ảnh ngắm – chụp hay một chiếc máy quay bỏ túi định dạng chuẩn, tốc độ đọc dữ liệu không phải là vấn đề quá lớn. Tuy nhiên nếu bạn mang bên mình một máy ảnh DSLR với khả năng chụp các bức ảnh RAW độ phân giải cao, bạn cần đến một chiếc thẻ có tốc độ đủ nhanh để chụp hai hoặc hơn hai bức ảnh cho một lần bấm máy. Nhìn chung, thẻ SD có thể được phân theo lớp tốc độ (Class), dao động từ Class 2 (chậm nhất) cho đến Class 10 (nhanh nhất). Ngoài ra còn nhiều loại thẻ lọt ra khỏi cách phân loại này, chẳng hạn thẻ UHS Class 1 có tốc độ nhanh hơn gấp bội, tuy nhiên, hầu hết thiết bị hiện tại không hỗ trợ loại thẻ này.

Tuy không cung cấp cho những người ngoại đạo một tiêu chuẩn chính xác về tốc độ của thẻ SD, hiệp hội thẻ SD (SD Association - Hiệp hội sáng chế ra công nghệ thẻ SD) đã cung cấp một số chỉ dẫn sơ lược quy định loại thẻ nào được sử dụng cho những trường hợp nào. Class 2 phù hợp với các máy quay video có độ phân giải chuẩn, trong khi thẻ Class 4 và Class 6 có khả năng hỗ trợ quay video độ nét cao. Class 10 là loại thẻ dành cho các thiết bị quay video HD hoặc thậm chí Full HD, tuy nhiên giống như tốc độ thẻ, khái niệm này cũng được định nghĩa khá lỏng lẻo. Các Class khác nhau còn có khoảng chêch lệch tốc độ khác nhau, điều này phụ thuộc vào cách quy định của từng nhà sản xuất. Chẳng hạn, theo Sandisk, thẻ Class 4 cho tốc độ đọc/ghi khoảng 15Mb/s, Class 6 có tốc độ 20Mb/s, trong khi Class 10 có thể đạt tốc độ 30 Mb/s. Trong khi đó, theo quy định của Kingston thì thẻ Class 4 có khả năng chuyển dữ liệu với tốc độ khoảng 4 Mb/s, thẻ Class 6 - 15Mb/s, và thẻ Class 10 - 40Mb/s. Sandisk cho biết thẻ SD USH-1 có thể chuyển dữ liệu với tốc độ lên tới 45 MB/s, và theo hiệp hội thẻ SD Association, tốc độ chuyển dữ liệu tối đa mà các buýt giao diện sử dụng có thể đạt 310 Mb/s (các loại thẻ thông dụng hiện nay còn xa mới đạt đến tốc độ này).
 
Nhìn chung, nếu bạn có nhu cầu quay phim HD hoặc thường xuyên chụp ảnh có độ phân giải cao với số lượng lớn, hãy mua cho mình một chiếc thẻ loại Class 10. Tuy nhiên, nếu chỉ thỉnh thoảng chụp ảnh trong những chuyến dã ngoại ngắn ngày, hay quay vài đoạn video làm kỉ niệm, các thẻ nhớ Class 4 và 6 sẽ phù hợp hơn. Do hiện nay rất nhiều smartphone đã có chức năng quay phim HD, các thẻ Class2 đã không còn là sự lựa chọn tốt nhất do chúng có tốc độ chậm, không đảm bảo cho việc quay một đoạn video HD, chưa kể loại thẻ này có thể còn hạn chế nhiều tính năng của thiết bị. Giá thành của các thẻ loại Class 4, Class 6 và Class 10 dao động nhiều nhưng chênh lệch không quá lớn. Hiện nay, thẻ SDHC 32GB Class 4 của Kingston Technology có giá khoảng 54 USD, Class 6 – 64 USD và Class 10 – 73 USD. Thẻ UHS-1 đắt hơn rất, rất nhiều lần so với các loại thẻ khác, chẳng hạn, Kingston đang bán ra thẻ SD UHS-1 dung lượng 32GB với giá lên tới 293 USD. Nếu bạn không phải là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, những người yêu cầu sự ổn định tuyệt đối về tốc độ chụp khi làm việc với khối lượng lớn ảnh và video thì bạn không cần quan tâm đến loại thẻ đắt đỏ này. Hơn nữa ngay cả khi mua thẻ rồi mà thiết bị của bạn không thuộc dòng máy chuyên nghiệp hay bán chuyên, nhiều khả năng bạn cũng không sử dụng được nó. Vì vậy trước khi ghé vào một cửa hàng bán thẻ nhớ, hãy kiểm tra xem thiết bị của bạn hỗ trợ những chuẩn thẻ nào, từ đó mới đưa ra quyết định mua hằng nhằm tránh lãng phí và đạt được độ thỏa dụng cao nhất.

Tham khảo: Sóng nhạc