Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia phối hợp với các cơ quan chuyên ngành sẽ thí điểm thực hiện hình thức “phạt nguội” vi phạm giao thông qua hệ thống camera quan sát trên hai tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình và cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Nội Bài - Phú Thọ).
 
Quy trình tự động
 
Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ FPT và Công ty TNHH MTV Hanel sẽ lắp đặt 74 camera giám sát và 22 máy đo tốc độ tự động phục vụ cho việc xử lý vi phạm qua hình ảnh trên hai tuyến cao tốc này. Trung tâm giám sát, xử lý vi phạm đặt tại trụ sở Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc hiện nay sẽ kết nối để truyền dữ liệu về Trung tâm thông tin chỉ huy của Cục Cảnh sát giao thông, sau đó được truyền tới máy tính xách tay của lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trực tiếp trên tuyến làm căn cứ xử phạt.
 
 
Mô hình camera giám sát, xử phạt vi phạm lắp đặt trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Bộ GTVT
 
Hệ thống camera giám sát và máy đo tốc độ xử lý vi phạm sẽ ghi và lưu giữ hình ảnh 24/24 giờ và được lập trình thực hiện tự động quy trình xử phạt từ khi bắt đầu phát hiện ra hành vi vi phạm của phương tiện, xử lý thông tin về lỗi vi phạm và in biên bản xử phạt, tránh sự can thiệp của con người để đảm bảo tính khách quan.
 
Anh Trần Long, chủ xe Captiva BKS 30S 9… lưu thông trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai cho biết: “Tôi đồng tình với chủ trương phạt nguội trên đường cao tốc, không chỉ tăng cường ý thức tự giác cho lái xe, mà còn đảm bảo hiệu quả an toàn giao thông. Tuy nhiên, muốn hiệu quả phải thực hiện đồng bộ, công khai từ tuyên truyền, đến xử phạt mới răn đe được…”.
 
Thực tế, việc “phạt nguội” qua camera đã thực hiện trước đây trong nội đô nhưng chưa hiệu quả, do quy trình xử mất nhiều thời gian và vướng quy định xe không chính chủ hoặc chủ phương tiện đăng ký một nơi, ở một nơi. Nghị định 171/CP cũng chỉ xử phạt đối với người điều khiển phương tiện, chứ không quy trách nhiệm cho chủ phương tiện, nên rất khó khăn cho việc “phạt nguội”.
 
Phóng viên báo Tin Tức khảo sát cho thấy, việc “phạt nguội” trước đây tốn khá nhiều thời gian sau khi xác minh được biển số, địa chỉ, chủ xe vi phạm… Căn cứ vào hình ảnh, CSGT sẽ lập, gửi thông báo vi phạm chủ xe thông qua công an khu vực. Sau 3 lần gọi, người vi phạm không chấp hành, CSGT sẽ phối hợp với công an địa phương cưỡng chế. Song, quy trình này mất thời gian mà rất khó tìm đúng người vi phạm.
 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, để khắc phục bất cập này, Cục CSGT cũng đã đề xuất: Lực lượng CSGT sẽ tổ chức chốt tại các trạm thu phí, khi nhận được dữ liệu qua máy tính xách tay, căn cứ vào hình ảnh và biên bản vi phạm trên hệ thống, có thể dừng xe và xử phạt ngay tại chỗ. Tới đây, khi Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 171/CP, việc xử phạt vi phạm qua camera sẽ phát huy tác dụng tối đa.
 
Thu hồi vốn qua thu phí đường cao tốc
 
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay: Việc thí điểm này sẽ được triển khai ngay trong năm 2015, nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông cho các chủ phương tiện và hoàn thiện phương thức tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chuyên ngành. Đây cũng sẽ là tiền đề để Bộ GTVT nhân rộng đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý vi phạm trên tất cả các tuyến đường cao tốc khác.
 
Tổng mức đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát và máy đo tốc độ tự động trên hai tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Nội Bài - Phú Thọ) và Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình là trên 193 tỷ đồng. Công ty cổ phần Công nghệ FPT và Công ty TNHH MTV Hanel sẽ đầu tư toàn bộ chi phí xây dựng, vận hành, bảo trì hệ thống và đề xuất thu phí hoàn vốn theo hai hình thức BTO (xây dựng -chuyển giao - kinh doanh) và BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh).
 
Để sớm hoàn thiện hệ thống trang thiết bị này đưa vào vận hành, Công ty cổ phần Công nghệ FPT sẽ ứng vốn xây lắp hạ tầng, lắp đặt, vận hành, bảo trì và hoàn vốn đầu tư bằng 3,6% tổng doanh thu thu phí trên hai tuyến cao tốc nói trên. Sau khi hoàn vốn, hệ thống hạ tầng truyền dẫn cáp quang, điện, xử lý vi phạm sẽ chuyển giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý và vận hành.
 Theo Tin Tức
Mời bạn xem thêm: