G4 có khả năng chụp tối tốt, hệ thống chống rung quang học ấn tượng, khả năng chỉnh tay mạnh mẽ nhưng cân bằng trắng trong điều kiện thiếu sáng chưa ổn định. 

LG G4 là mẫu smartphone chụp ảnh hàng đầu hiện nay.

LG G4 trang bị cảm biến độ phân giải 16 megapixel, tương đương với Galaxy S6 và gấp đôi so với di động hàng đầu hiện nay của Apple là iPhone 6 Plus. Tuy nhiên, chất lượng ảnh lại thường bị ảnh hưởng nhiều bởi kích thước điểm ảnh của cảm biến hơn là độ phân giải. Trong bảng so sánh dưới đây, G4 tương đương với Galaxy S6 là 1,12 µm, thấp hơn HTC One M9 (1,2 µm) và iPhone 6 Plus (1,5 µm). Trên lý thuyết, kích thước điểm ảnh lớn hơn giúp thu nhận ánh sáng nhiều hơn và chụp trong tối vì vậy cũng tốt hơn nhưng các yếu tố khác cũng rất quan trọng bao gồm khẩu độ mở ống kính cũng như thuật toán xử lý ảnh. Xét về thông số kỹ thuật, LG G4 xứng đáng được chọn làm model tiêu biểu về sự tiến bộ công nghệ chụp ảnh trên điện thoại thông minh nhiều năm trở lại đây. Máy trang bị phần cứng, tính năng vào loại tốt nhất hiện nay như hệ thống chống rung quang học, khẩu độ mở lớn f/1.8, hỗ trợ định dạng RAW, hỗ trợ chỉnh tay thông số hoàn toàn và lấy nét bằng lazer. Ngoài ra, với một người yêu thích chụp ảnh, G4 có thể kể đến các ưu điểm như nâng cấp bộ nhớ với thẻ microSD, chủ động trong việc lưu trữ ảnh. Pin của máy cũng có thể thay thế giúp dễ dàng trong các buổi chụp ảnh kéo dài. 

Tên máy

Kích thước cảm biến

Độ phân giải

Kích thước điểm ảnh

Độ mở ống kính

Kích thước ảnh

LG G4

1/2,6″ (5,95 x 3,35mm)

16 MP

1,12 µm

f/1.8

5.312 x 2.988

Samsung Galaxy S6

1/2.6″ (5.95 x 3,35mm)

16 MP

1,12 µm

f/1.9

5.312 x 2.988

HTC One M9

1/2.3″ (6.45 x 4,50mm)

20 MP

1,2 µm

f/2.2

5.376 x 3.752

Motorola Nexus 6

1/3″ (4,62 x 3,47mm)

13 MP

1,12 µm

f/2.0

4.128 x 3.096

iPhone 6 Plus

1/3″ (4,90 x 3,67mm)

8 MP

1.5 µ

f/2.2

3.264 x 2.448

Trang bị khả năng chỉnh tay nhưng với những người dùng phổ thông, việc chụp ảnh trên G4 cũng rất dễ dàng. Hãng chia kiểu màn hình hiển thị ra làm ba loại bao gồm Đơn giản cho những người chỉ muốn đưa máy lên và ấn chụp, Cơ bản được dùng nhiều nhất cho phép điều chỉnh một vài thông số đơn giản. Cuối cùng là Thủ công, cho phép điều chỉnh mọi thông số chụp bao gồm nhiệt độ màu (cân bằng trắng), bù trừ sáng, lấy nét, ISO, tốc độ chụp nhưng không cho thay đổi độ mở màn trập.

Giao diện chụp hình ở chế độ Cơ bản (trên) và Thủ công (dưới). 

Nhờ hai phím tăng giảm âm lượng được đặt ở mặt sau ngay dưới camera, thao tác chụp cả bằng camera trước và sau đều rất thuận tiện. G4 sử dụng hệ thống lấy nét theo tương phản với tốc độ thực tế khá nhanh so với các điện thoại thông minh hiện nay. Ưu điểm đặc biệt của máy là trang bị khả năng lấy nét laser bằng cách chiếu tia hồng ngoại vào vật thể sau đó nhận tín hiệu trả lại và ước lượng khoảng cách để lấy nét chính xác nhất. Trên thực tế, tính năng này phần lớn phát huy tác dụng và tạo sự khác biệt so với các smartphone cao cấp khác ở điều kiện ánh sáng yếu, do tia hồng ngoại ít hiệu quả dưới ánh nắng mặt trời. 

Độ chi tiết của hình ảnh là rất tốt. 

LG G4 cũng có chế độ HDR Auto, tự động bật khi gặp các khung cảnh với độ chênh sáng giữa các vùng lớn. Việc xử lý HDR với dải bù trừ sáng trung bình nên chủ yếu giống như một công nghệ phụ trợ khi chụp ảnh bị chênh sáng thay vì tạo ra các hiệu ứng khác lạ. Đáng tiếc là G4 không có HDR thời gian thực (real-time) cho phép hiển thị đúng khung cảnh sẽ chụp qua xử lý trước khi bấm nút như mẫu Galaxy S6. 

Hệ thống chống rung quang học trên LG G4 hoạt động rất ấn tượng. So với một model khác cũng có tính năng này là iPhone 6 Plus thì di động của LG vượt trội. Ngay khi cầm máy ở chế độ xem trước live-view và đưa qua lại đã có thể cảm nhận hệ thống chống rung trong máy làm việc với hình ảnh di chuyển chậm hơn so với tốc độ lia máy. Đây là lợi điểm lớn giúp G4 chụp trong tối tốt cũng như các tính huống khép khẩu chụp cảnh vật. Tính năng này của máy cũng hoạt động ở chế độ quay độ phân giải cao nhất là 4K, ưu việt hơn so với đối thủ Galaxy S6 chỉ dừng ở Full HD (xem so sánh quay chống rung giữa hai máy).

Màu sắc của G4 lên tốt. 

Ngoài độ mở màn trập cố định, các thông số chụp cơ bản còn lại đều có thể điều khiển trên G4. Đặc biệt hơn khi dải điều chỉnh tốc độ chụp là rất rộng, tối đa 1/6000 giây và tối thiểu lên tới 30 giây, không thua kém nhiều so với các mẫu máy ảnh. Lợi điểm của nó là có thể chụp bắt dính các hành động ở tốc độ cao hoặc tạo ra các bức ảnh phơi sáng nghệ thuật hay light-painting.

Không giống nhiều mẫu smartphone cho chỉnh tay khác, G4 cho cài đặt cân bằng trắng theo nhiệt độ màu, bên cạnh các mức cơ bản hãng cũng để biểu tượng tương ứng với những ánh sáng khác nhau như đèn dây tóc, đèn neon, ánh sáng mặt trời.... khá trực quan. Một điểm đáng tiếc là tính năng bù trừ sáng, G4 chỉ có thể điều chỉnh ở chế độ Thủ công trong khi đây là tính năng mà hiện nay người dùng phổ thông cũng rất cần và đã được làm tốt trên giao diệp chụp của iPhone, Zenfone 2.

Với khả năng điều chỉnh dải tốc độ lớn, G4 có thể dễ dàng chụp phơi sáng. 

Ảnh chụp ở điều kiện đủ sáng, chất lượng ảnh của LG G4 không thua kém nhiều máy ảnh du lịch. Độ chi tiết từ cảm biến 16 megapixel là khá tốt, ngay cả khi phóng lớn, các chi tiết hiện lên khá sắc, màu trời xanh nhưng không bị đẩy lên nhiều so với thực tế. Ở khung cảnh chênh sáng ban ngày, dải tương phản của máy tốt, ít xảy ra hiện tượng bị cháy hình ở các vùng quá sáng. Ở các khung cảnh chụp trộn lẫn nhiều vật có màu sắc khác nhau, khả năng tương phản, tách màu trên ảnh tốt, không xảy ra hiện tượng ám màu chung lên ảnh. 

Điểm ấn tượng nhất trên G4 là khả năng chụp trong điều kiện ánh sáng yếu. Dù kích thước điểm ảnh chỉ ở mức khá, khả năng xử lý nhiễu lại rất tốt. Ở mức tầm trung như khoảng ISO 800, hình ảnh rất ít phát hiện nhiễu, điều ít smartphone làm được. Trong một số trường hợp chụp điều kiện tối, ISO được đẩy lên 2.700 nhưng ảnh vẫn có thể chấp nhận được và dùng ở kích thước nhỏ. Dù vậy, khả năng cân bằng trắng của G4 không thực sự ổn định. Máy xử lý tốt với các ánh đèn vàng, đưa ảnh trở về gam màu mát hơn nhưng đôi lúc đưa máy qua lại, thay đổi điểm nét trung tâm, ánh màu lại bị thay đổi. 

Việc hỗ trợ chụp ảnh RAW định dạng phổ biến giúp G4 được lòng các nhiếp ảnh gia.

Ấn tượng nhất ở các tính năng của LG G4 là khả năng chụp ảnh định dạng gốc RAW. Máy cho ra các tập tin đuôi DNG, một định dạng của Adobe nên dễ dàng tương thích với các phiên bản Lightroom và Photoshop mà không phải cập nhật bản mới nhất. Giống như khi xử lý với máy DSLR, các thông số có thể chỉnh được rất phong phú như cân bằng trắng, màu sắc, dải tương phản, độ min...

Theo VNExpress

Mời bạn xem thêm:

 

Sony vẫn là ông trùm trong lĩnh vực camera di động

Smartphone giúp "nhìn xuyên bóng tối" nhờ camera hồng ngoại

Ford giới thiệu camera quan sát 180 độ cho xe hơi