Hằng năm, ngành công nghiệp công nghệ cao thường mang đến cho chúng ta những điều bất ngờ ngoài mong đợi và cả những thay đổi đã được dự đoán trước từ lâu. Bên cạnh các sản phẩm mới thì cũng có rất nhiều sản phẩm công nghệ được ưa thích bị "khai tử".

Năm 2014 cũng không phải là một ngoại lệ với rất nhiều tên tuổi lớn trong các sản phẩm và dịch vụ công nghệ được ưa thích bởi số đông người dùng đã bị ngừng hỗ trợ và sản xuất.

Có lẽ thương vụ đình đám nhất trong năm nay (hay thậm chí của cả thập kỷ này) là quyết định ngừng hỗ trợ hệ điều hành Windows XP của Microsoft. Động thái này đã tạo ra hiệu ứng làm cho hàng triệu người dùng trên khắp hành tinh tự hỏi liệu họ nên tìm một sự thay thế hay đầu hàng và bắt đầu sử dụng Windows 8.1.

Dưới đây là danh sách 10 sản phẩm và dịch vụ công nghệ nằm trong danh sách buồn của năm 2014 mà chúng tôi đã tổng hợp.

iPod Classic

Cùng với việc công bố Apple Watch và chiếc iPhone mới, Apple cũng lặng lẽ ngừng sản xuất những chiếc iPod Classic. Quyết định khai tử dòng máy nghe nhạc "huyền thoại" này của Apple được đưa ra vào tháng 9/2014, trong buổi lễ ra mắt iPhone 6.

Trong khi Apple Watch đang mở ra một cách thức mới về giao diện sử dụng với tính năng mới Digital Crown. Núm điều khiển được đặt phía bên cạnh này làm chúng ta gợi nhớ về những chiếc vòng điều khiển click wheel trên những chiếc iPod thời kỳ đầu và thậm chí là cả vòng điều khiển trên iPod Classic là touch wheel. Với núm điều khiển Digital Crown này, có thể thấy là những giao diện điều khiển tiếp xúc trên các thiết bị của Apple sẽ đi theo một hướng đi mới.

Với việc ngừng sản xuất dòng sản phẩm iPod Classic, Apple đã đưa những chiếc iPod Touch trở thành dòng sản phẩm nghe nhạc chính của hãng.

Ứng dụng Poke của Facebook

Có một sự thật đã được lan truyền lâu tại thung lũng Sillicon là, "nếu không thể mua được cái mà mình muốn, Facebook sẽ sao chép chúng".

Điều này cũng khá rõ ràng khi bạn nhìn vào những ứng dụng của Facebook ra mắt gần đây, đặc biệt là ứng dụng nhắn tin Poke.

 

Ngoài chức năng "chọc" khiến bạn bè chú ý đến mình đã có khá lâu trên Facebook, ứng dụng Poke còn giúp cho người sử dụng có thể gửi tin nhắn đi kèm với video và hình ảnh đến những người bạn của mình. Đặc biệt mỗi tin nhắn này sẽ chỉ hiển thị trong một thời gian nhất định đã được đặt sẵn (có thể là 1, 3, 5 hoặc 10 giây). Sau khi hết thời gian này, tin nhắn sẽ tự động biến mất khỏi ứng dụng.

Đây được coi là nỗ lực của Facebook trong việc tạo ra một sản phẩm giống như SnapChat. Ứng dụng nhắn tin này rất được kỳ vọng nhưng cuối cùng không nhận được sự ủng hộ của người dùng nên mạng xã hội lớn nhất thế giới đã gỡ bỏ Poke.

Trong khi đó, Snapchat - ứng dụng mà Facebook định mua với giá 3 tỷ USD – đã nhận được một lời đề nghị đầu tư và được Yahoo định giá 10 tỷ USD.

MSN Messenger

Thương vụ mua lại Skype của Microsoft vào năm 2011 đã tạo ra rất nhiều ảnh hưởng đến người sử dụng các ứng dụng hay dịch vụ của công ty này. Đặc biệt trong số đó là những người dùng Windows Live Messenger – hay thường được biết đến với cái tên MSN Messenger.

Mặc dù Microsoft đã chính thức ngừng ứng dụng nhắn tin văn bản này vào năm 2012 trên toàn thế giới nhưng tại Trung Quốc ứng dụng này vẫn khá phổ biến cho đến năm nay. Ngày 31/8 vừa qua, Microsoft đã đưa ra thông báo về việc "khai tử" MSN Messenger tại Trung Quốc, kết thúc 15 năm hoạt động của ứng dụng nổi tiếng này.

MSN Messenger được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1999, như một đối thủ cạnh tranh nặng kí của Microsoft với AOL Instant Messenger – một ứng dụng chat cũng đang nổi tiếng thời bấy giờ. Như những ứng dụng chat thời "cổ đại", MSN bắt đầu với tính năng chat đơn giản, sau đó thêm thắt vào nhiều tính năng hơn như gửi ảnh, video, chơi game online và chèn các biểu tượng emoji.

Những dòng tweet đăng tải để tưởng nhớ MSN Messenger vào ngày nó bị "khai tử"

Để tưởng nhớ thì trong ngày Microsoft thông báo "khai tử" MSN Messenger đã có rất nhiều người dùng cũ đồng loạt đăng những dòng tweet về ứng dụng này trên Twitter.

Orkut

Orkut được coi là mạng xã hội đầu tiên của Google trong việc cạnh tranh với Facebook. Tuy nhiên, Google cùng Orkut đã phải chịu thất bại khi không thể đặt chân vào thị trường Mỹ vốn đã quá quen thuộc với Facebook. Tuy không thành công tại Mỹ nhưng Orkut bất ngờ phát triển tại Brazil. Trong năm 2010, thậm chí đã có lúc Orkut vượt mặt Facebook tại quốc gia này. Tuy nhiên, trước sự phát triển ồ ạt và mạnh mẽ của Facebook, cuối cùng vào năm 2011, Facebook của Mark Zuckerberg đã có thể thêm Brazil vào danh sách các quốc gia bị chinh phục của mình.

Mặc dù vẫn còn rất nhiều người dùng nhưng Orkut đã bị Google quyết định đóng lại. Đây được coi như một nỗ lực để đẩy một mạng xã hội khác của hãng này là Google+. Tuy nhiên, với sự ra đi của giám đốc Google+ là Vic Gundotra, sẽ chỉ là một vấn đề thời gian trước khi Google+ chịu chung số phận như Orkut.

Xbox Entertainment Studios

Xbox Entertainment Studio là một phân nhánh trực thuộc Microsoft Studio, chuyên phụ trách mảng sản xuất chương trình tivi tương tác. Mới đây studio này cuối cùng đã phải đóng cửa sau đợt tái cơ cấu cắt giảm lên đến 18.000 nhân sự của Microsoft.

Động thái này của Microsoft một phần là để tối ưu hóa nhân sự cho Xbox, một phần khác là để Xbox tập trung hơn vào mảng sản xuất game.

Windows XP

Hình ảnh đã quá quen thuộc với rất nhiều người

Quyết định ngừng hỗ trợ hệ điều hành Windows XP là một quyết định khó khăn của ban lãnh đạo Microsoft khi mà hệ điều hành này vẫn được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước. Tuy nhiên, với mong muốn thúc đẩy thương hiệu của mình hơn nữa, Microsoft đã hướng người dùng đến với phiên bản mới nhất của hệ điều hành này Windows 8.1.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, Windows 8 đã bị cấm sử dụng. Các quan chức Trung Quốc đã dựa vào hành động này của Microsoft để thúc đẩy hoạt động tự tạo ra một hệ điều hành riêng của nước này để cạnh tranh với các những cái tên như Windows của Microsoft hay Mac OS của Apple.

Justin.tv

Nếu bạn không sử dụng Justin.tv, có thể bạn không biết rằng đây là trang web sinh ra toàn bộ các kênh truyền hình nội dung bất hợp pháp. Điển hình trong số đó là kênh truyền hình chiếu Star Trek 24/7 hay chiếu lậu kênh truyền hình lậu History Channel và những bộ phim cho những người xem truyền hình chuyên biệt.

Tuy nhiên, một nhánh của trang web này là chương trình Twitch đã dần dần trở thành một chương trình yêu thích của các game thủ và ngày càng trở nên phổ biến hơn các sản phẩm trang web chính. Twitch chuyên cung cấp dịch vụ tường thuật game (streaming) trực tuyến hàng đầu thế giới.

Justin.tv đã tuyên bố đóng trang web chỉ trước thương vụ mua lại Twitch của Amazon. Amazon đã phải chi ra gần 1 tỷ USD và đánh bại Google để sở hữu chương trình tường thuật game trực tuyến này.

Tạp chí Macworld

Tạp chí Macworld là một tạp chí được ưa thích bởi rất nhiều tín đồ của Apple. Tạp chí này chuyên cung cấp mọi thông tin liên quan đến các sản phẩm của Apple trong nhiều thập kỷ vừa qua và đã ra số cuối cùng vào tháng Chín vừa qua.

Mặc dù đơn vị phát hành tạp chí này là IDG tuyên bố sẽ vẫn hoạt động trang web hiện tại của mình nhưng việc ngừng phát hành các phiên bản giấy sẽ khiến cho rất nhiều biên tập viên kỳ cựu của tạp chí này ra đi.

Biên tập viên Jason Snell – một người đã gắn bó với Macworld trong 17 năm và cũng là một nhân vật cấp cao trong bộ máy lãnh đạo – đã rời bỏ vị trí sau khi Macworld ngừng xuất bản.

Đặc biệt, tin về việc ngừng tạp chí Macworld còn khiến những người hâm mộ tạp chí này cảm thấy tức giận khi nó được thông báo ngay sau sự kiện của Apple ngày 9 tháng 9 – sự kiện mà Apple ra mắt iPhone 6, Iphone 6 Plus và Apple Watch.

Nokia X

Ngay sau khi lên nắm giữ vị trí CEO của Microsoft, Satya Nadella đã có rất nhiều quyết định để thay đổi Microsoft. Trong đó có thể kể đến việc sa thải 18.000 nhân viên và chấm dứt dòng sản phẩm Nokia X. Những chiếc điện thoại Nokia chạy Android đã trở thành quá khứ.

Trong thư gửi nhân viên của mình, Satya Nadella nói rằng : "Chúng ta sẽ dừng sản xuất những chiếc điện thoại Nokia X để tập trung vào mặt trận chính là những chiếc điện thoại Lumia chạy Windows".

Flappy Bird

Quá trình tồn tại ngắn ngủi của trò chơi Flappy Bird đã cho chúng ta một bài học về việc thành công và rắc rối thường đi kèm với nhau. Trò chơi Flappy Bird đã tạo nên một hiện tượng. Nhưng đi kèm với thành công đó còn là rất nhiều áp lực và rắc rối với người phát triển ra nó, anh Nguyễn Hà Đông. Vì vậy nên sau 8 tháng ra mắt, tháng 2/2014, Nguyễn Hà Đông đã đăng tải thông báo gỡ bỏ trò chơi của mình khỏi các kho ứng dụng.

Tất nhiên, ngay sau khi trò chơi này ra mắt đã có rất nhiều sản phẩm nhái theo nhưng không thành công được như Flappy Bird. Tuy nhiên, câu chuyện về hơn 50 triệu lượt tải Flappy Bird trong một thời gian ngắn và việc tác giả phải gỡ bỏ ứng dụng vì không chịu nổi áp lực từ nhiều phía sẽ luôn là một câu chuyện đáng nhớ trong cộng đồng phát triển game trên các thiết bị di động.

Theo VNReview

Mời bạn xem thêm:

Chiêm ngưỡng Apple Watch dát vàng và kim cương có giá hơn 30.000 USD

Facebook chuẩn bị 7 nút mới bên cạnh 'Like'

Xu hướng công nghệ cho nhà thông minh