Biệt đội 'siêu nhận dạng' qua camera giám sát
Các thành viên của đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng" là một phần không thể thiếu của Sở Cảnh sát London. Những nhân viên của đội này mỗi ngày làm việc từ 8-10 tiếng với nhiệm vụ chính là nhớ toàn bộ các hình ảnh, khuôn mặt được xác định từ các camera giám sát an ninh hoặc những đoạn video có được tại hiện trường các vụ án…
Một thành viên của đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng" đang tìm hình ảnh về tội phạm thông qua các đoạn băng video.
Với thành tích nhận diện tới hơn 100 khuôn mặt, giúp đẩy nhanh quá trình truy tìm và bắt giữ đối tượng tình nghi, cuối tháng 7 vừa qua, sĩ quan cảnh sát Woolwich PCSO Syed Haque đã được khen thưởng và nâng cấp bậc hàm. Điều đáng chú ý là Syed Haque chỉ là một trong những thành viên của một đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng" mới được cảnh sát Anh thành lập trong những năm gần đây.
Vũ khí bí mật
Trong lần trả lời phỏng vấn tờ South London, sĩ quan cảnh sát Syed Haque cho biết, nhiệm vụ của anh trong đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng" là ghi nhớ và nhận biết những kẻ chuyên thực hiện các loại hình phạm tội như cướp giật, ăn cắp và cả những người có những hành xử không hay trên đường phố. Tham gia đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng" từ tháng 11/ 2011, đến nay, Haque đã có thêm hơn 200 đồng nghiệp cũng giống như mình. Những người này lúc nào cũng được gắn một camera trên người để ghi hình rồi truyền tải dữ liệu về trung tâm.
Sau đó, trung tâm lại truyền tải dữ liệu ngược lại cho người đó. Chẳng hạn như Haque, trong chiến công vừa rồi, anh đã phải mất gần 2 tuần rời đi khắp các đường phố London để nhận diện những tên tội phạm. Haque kể: "Hằng ngày, trước khi đi tuần, tôi phải kiểm tra lại các camera xem chúng có hoạt động tốt không. Sau đó, là xem lại một lượt ảnh những tên tội phạm cần truy tìm và cố gắng ghi nhớ chúng. Tôi thật sự vui khi thấy khả năng nhận dạng người lẫn trong đám đông của mình đã mang lại những kết quả tốt cho việc điều tra và bắt giữ tội phạm”.
Đội trưởng đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng" Helen Millichap cho hay, cũng có những thành viên chỉ ngồi nhà và quan sát trên màn hình vô tuyến hoặc màn hình máy tính các góc quay để phát hiện người cần tìm. Helen Millichap cũng cho biết, đội đặc nhiệm siêu nhận dạng, vừa điều động thêm một vài thành viên đến tuần tra ở khu vực điện Buckingham và Bảo tàng Anh nhằm dẹp bớt nạn móc túi và cướp giật bởi họ có biệt tài là nhận ra một khuôn mặt quen lẫn giữa đám đông.
Sĩ quan cảnh sát Syed Haque đã được khen thưởng và thăng cấp bậc hàm cho những cống hiến của mình tại đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng".
Tháng 10/2014, tại buổi hòa nhạc của Pharrell Williams ở O2, một thành viên của đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng" đã phát hiện ra 5 tên cướp trong danh sách truy lùng của Cảnh sát London và kết quả là cả bọn bị tóm gọn trước khi kịp gây án. Cũng trong một buổi hòa nhạc khác, 17 tên chuyên móc túi cũng đã bị nhận dạng. Riêng tại lễ hội Carnival ở Notting Hill, đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng" được triển khai đông hơn và họ tuần tra thường xuyên trên khắp các phố. Paul Smith nói: "Các thành viên của đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng" có khả năng nhớ được một khuôn mặt tội phạm. Vì thế, chúng tôi quyết định đưa lực lượng đặc nhiệm này tới các khu vực có đông khách du lịch để ngăn chặn nạn cướp vặt, trộm cắp…".
Trước hết, trước khi đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng" được thành lập, Chánh thanh tra Sở Cảnh sát London Mick Neville từng tuyển chọn nhiều nhân viên cảnh sát có trí nhớ cực tốt.
Những cuộc tuyển chọn gắt gao
Các thành viên của đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng" là một phần không thể thiếu của Sở Cảnh sát London. Những nhân viên cảnh sát "siêu nhận dạng" này mỗi ngày làm việc từ 8-10 tiếng, và nhiệm vụ chính của họ là nhớ toàn bộ các hình ảnh, khuôn mặt được xác định từ các camera giám sát an ninh hoặc những đoạn video có được tại hiện trường các vụ án…
Đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng" giúp truy tìm và bắt giữ tội phạm nhanh chóng hơn.
Tờ Guardian dẫn nguồn tin từ Sở Cảnh sát London cho hay, mỗi sĩ quan trong đơn vị này đã xác định được gần 300 nghi phạm. Cùng với đó là sự hỗ trợ của phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Trong đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng", Idris Bada là người nhiều tuổi nhất. Chính ông đã trở thành nỗi ám ảnh của bọn tội phạm. Idris Bada mỗi ngày ghi nhớ khoảng 50 khuôn mặt thông qua các bản tin hình sự.
Còn Gary Collins là người đã giúp bắt giữ các thành viên của băng đảng Hackney. Martin Lotriet Haringey vừa là một "siêu nhận dạng", vừa là một siêu hacker. Lee O'Brien (34 tuổi), một "siêu nhận dạng" mới gia nhập đội đặc nhiệm nhưng đã giúp phân loại được 72 tội phạm chỉ trong 3 ngày xem và nhập dữ liệu qua video về 3.000 nghi phạm khác. Damian Thorne (37 tuổi) thì ghi nhớ được ít nhất 150 khuôn mặt tội phạm chỉ sau một tuần làm việc…
Các thành viên trong đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng" gồm Patrick O'Riordan, Paul Hyland, Kieran Grant (từ trái sang phải) không bao giờ quên một khuôn mặt họ đã gặp.
Để gia tăng khả năng sẵn có của các thành viên trong đội, Mick Neville và Helen Millichap đã tìm đến Tiến sĩ hàng đầu về tâm lý học của Anh Josh Davies. Họ đang phối hợp tham gia một chương trình thử nghiệm với hy vọng rằng sẽ giúp các siêu nhận dạng làm việc hiệu quả hơn. Các bài kiểm tra cũng sẽ được đưa ra đối với những người mới muốn tham gia đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng". Cụ thể, họ đã sử dụng hình ảnh của 6 người, dùng kỹ thuật làm thay đổi thành bức ảnh đen trắng và yêu cầu các ứng viên quan sát trong ít phút. Sau đó, các ứng viên phải tìm ra họ trong tổng số 100 bức ảnh màu khác. 250 nhân viên cảnh sát ngẫu nhiên được chọn tham gia cuộc kiểm tra và có 8 người xuất sắc, 10 người đạt mức trên trung bình.
Mick Neville cho biết: "Đối với những vụ trọng án, đội ngũ siêu nhận dạng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong quá trình điều tra". Vì thế, sau thành công của chương trình thử nghiệm đang được tiến hành, Cảnh sát London dự định sẽ tăng số thành viên của đội đặc nhiệm "siêu nhận dạng" lên 500 người. Cơ quan pháp luật Anh cũng đang xem xét khả năng sử dụng những siêu nhận dạng như nhân chứng chuyên môn tại tòa án trong các tình huống mà họ là người xác định tội phạm dựa trên những hình ảnh được cung cấp (!)
Theo Lao Động