Tại nhiều nước phát triển cũng như đang phát triển, hầu hết các tuyến đường đều gắn camera theo dõi giao thông. Ngoài phát hiện lỗi vi phạm luật giao thông, hệ thống này còn có tác dụng tích cực trong việc ghi nhận tình hình giao thông, tai nạn giao thông và tệ nạn trộm, cướp trên đường phố.

Cảnh sát Australia được trang bị xe gắn camera để ghi lại tất cả biển kiểm soát trên đường



Mỹ: Phạt gấp đôi nếu nộp chậm 1 tháng

Ở Mỹ, hệ thống camera giám sát giao thông tự động rất phổ biến tại các tuyến đường chính, những khu vực có nhiều người đi bộ và xung quanh trường học. Khi vi phạm luật giao thông như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ hay đỗ xe không đúng nơi quy định…, người điều khiển có thể bị phạt tiền, cao hơn nữa là bấm lỗ (7 lần bấm lỗ sẽ bị thu bằng lái), tịch thu bằng lái và bắt giam. Phiếu phạt vi phạm luật giao thông ở Mỹ gần như thống nhất trên cả nước. Sau khi cảnh sát lập hồ sơ, 1 bản sẽ được chuyển cho người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm, 1 bản lưu hồ sơ. Ở Mỹ, cảnh sát không trực tiếp nhận tiền phạt, người điều khiển bị phạt vi phạm giao thông phải có trách nhiệm nộp tiền vào kho bạc theo đúng hạn. Nếu sau 30 ngày, mức phạt sẽ tăng gấp đôi, chậm hơn nữa sẽ phạt gấp ba, gấp bốn và cuối cùng là triệu tập ra tòa và phải chịu mọi án phí. 

Một người đàn ông ở Anh nhận 7 vé phạt trong 9 ngày 
sau khi bị camera phát hiện chạy quá tốc độ

Pháp: “Bội thu” nhờ radar tốc độ

Tại Pháp, hệ thống kiểm soát tốc độ tự động bố trí trên các tuyến đường đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ tai nạn giao thông, trong đó radar bắn tốc độ tự động là hệ thống thiết bị quan trọng trong chính sách an toàn giao thông của nước này. Theo nhà chức trách Pháp, hệ thống giao thông đường bộ của Pháp đã lắp đặt khoảng 4.129 radar tốc độ, trong đó có 2.202 radar cố định, giúp phát hiện 76 triệu trường hợp vi phạm lỗi tốc độ cho cảnh sát xử lý với khoảng 4,2 tỷ euro tiền phạt từ 2003-2012. Do có hệ thống đường cao tốc thuộc loại hiện đại nhất thế giới nên Pháp chú trọng đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông tự động. Không chỉ phát hiện xe chạy quá tốc độ, hệ thống này còn giúp phát hiện ra xe bị ăn cắp, xe chạy sai làn hay sang đường không đúng quy định. 

Australia: Có thể nộp phạt bằng lao động công ích

Trong khi đó, hệ thống theo dõi, phát hiện lỗi vi phạm giao thông tại Australia đều được hiện đại hóa. Các xe cảnh sát chạy ngoài đường có gắn camera để quét tất cả biển kiểm soát trên đường. Hệ thống điện tử sẽ cho biết biển số nào có vấn đề như chưa nộp phạt, hết hạn đăng ký..., sau đó cảnh sát sẽ dừng xe có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra và in phiếu phạt tại chỗ. Người vi phạm có thể đến cơ quan quản lý giao thông để nộp phạt, thanh toán bằng thẻ hoặc xin thay việc nộp phạt bằng các hình thức phạt khác như lao động công ích.

Phiếu phạt được dán lên chiếc xe vi phạm lỗi đỗ xe ở Mỹ


Anh: Bất ngờ với camera bắn tốc độ thế hệ mới

Hiệu quả từ việc quản lý giao thông bằng camera đã được nhiều nước kiểm chứng, trong đó có Anh quốc. Tờ Telegraph chỉ ra, số tiền phạt vì chạy xe quá tốc độ tại Anh năm 2014 đã tăng lên mức cao nhất sau 4 năm triển khai một hệ thống camera bắn tốc độ kỹ thuật số thế hệ mới. Hơn 115.000 người lái xe ở Anh và xứ Wales đã phải trả ít nhất 100 bảng tiền phạt do vi phạm giao thông vào năm ngoái, số liệu của Bộ Tư pháp nước này công bố. Năm 2010, Anh và xứ Wales có 114.279 phiếu phạt vi phạm giao thông và năm sau đó là 110.191. Kể từ đó, con số này tăng lên và năm 2013 có 115.549 vé phạt chạy xe quá tốc độ. Sau 4 năm, tổng cộng 452.540 vé phạt quá tốc độ được đưa ra và đem lại cho kho bạc  hơn 45 triệu bảng. 

Ngày càng hiện đại và “thông minh”

Cùng với tiến trình đô thị hoá toàn cầu, quá tải giao thông đã trở thành vấn đề nan giải trong phát triển của rất nhiều thành phố. Năm 2012, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã công bố “Chiến lược Phát triển giao thông thông minh của ngành giao thông vận tải giai đoạn 2012-2020”. Ngoài việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh, tại Trung Quốc, việc sử dụng   camera theo dõi giao thông đã được triển khai hơn chục năm nay. Loại thiết bị này ngày càng được cải tiến để đáp ứng yêu cầu quản lý giao thông hiệu quả, thông minh. Cuối thế kỷ trước, Trung Quốc lần đầu xuất hiện “cảnh sát điện tử” - ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý giao thông. Từ loại máy ghi hình chỉ bắt nét rõ cảnh xung quanh, cảnh sát giao thông Trung Quốc hiện giờ đã dùng loại thiết bị có độ nét cao và kết hợp với thiết bị tiên tiến hơn giúp phân tích đoạn video để nhân viên chức năng nhận biết được biển số xe và loại xe, thậm chí còn ghi lại được các hành vi vi phạm luật giao thông ở trong xe ô tô, như vừa lái xe vừa gọi điện thoại, ngồi xe không thắt dây an toàn… Đây được coi là giải pháp phổ biến trong công tác quản lý giao thông hiện tại.

 Trong khi đó, ở một số quốc gia Đông Nam Á, việc hiện đại hóa các thiết bị quản lý giao thông cũng rất được quan tâm. Vài năm trở lại đây, công nghệ thông tin được áp dụng để tối ưu hóa việc quản lý giao thông tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan). Hàng loạt hệ thống camera gắn trên các trục giao thông, điểm cao, các góc khuất… trong hệ thống điều hành tổng thể của cảnh sát với các phần mềm hiện đại luôn được cập nhật như: hệ thống quản lý giao thông thông minh, hệ thống quản lý sự di chuyển của các phương tiện, quản lý ô tô, hay hệ thống quản lý các vụ tai nạn, các sự cố khẩn cấp. Cảnh sát giao thông chỉ xuất hiện khi cần phân làn mới, hoặc hướng dẫn trực tiếp người tham giao giao thông chuyển làn, giảm tải sang khu vực có mật độ xe thấp. 

Hệ thống camera giám sát giao thông cũng đang được hiện đại hóa tại quốc đảo Singapore. Đầu năm ngoái, giới chức nước này tuyên bố cho tới tháng 6 năm nay sẽ thay thế tất cả các camera chụp phim bằng camera điện tử tại các ngã tư có tỉ lệ vượt đèn đỏ cao nhất. Hệ thống camera điện tử mới có thể hoạt động liên tục không phải lo ngại hết phim giống camera chụp bằng phim trước đây. 

Theo An ninh thủ đô

Mời bạn xem thêm:

Kinh hoàng xe container mất lái ủi thẳng trạm thu phí

Nhiều người bất ngờ bị phạt nóng do camera giao thông ghi lại

Cao tốc Nội Bài – Lào Cai sẽ có camera phạt nguội