Đồ bị nhân viên sân bay Mỹ trộm nhiều nhất là đồng hồ, máy tính, điện thoại, máy tính bảng, nhẫn vàng, tiền mặt và phần lớn chúng được tiêu thụ trên các trang thương mại trực tuyến.

 


Phần lớn vật dụng bị lấy cắp là máy tính, trang sức... được khách cất giữ cẩn thận trong vali. Ảnh: Travel.aol.uk.
 

Tại sân bay quốc tế Miami, Mỹ, hình ảnh ghi lại từ camera bí mật cho thấy các nhân viên xếp dỡ hành lý đang miệt mài "shopping" ngay trên vali của hành khách. Tuy nhiên, họ không biết rằng hành động này đã bị các camera ghi lại.

Cục cảnh sát Miami trang bị hệ thống này nhằm xử lý triệt để tình trạng nhân viên sân bay, những người lẽ ra phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn đối với hành lý, lại trực tiếp trộm cắp tư trang của khách.

“Đây là vấn đề không của riêng ai. Chúng tôi sẽ còn chủ động trong chuyện này tới chừng nào các lời khiếu nại về tình trạng ăn cắp vặt hành lý giảm hẳn”, đại diện Cục cảnh sát Miami, Pete Estis, nói.

Tình trạng “chôm” đồ tại sân bay không chỉ diễn ra ở thành phố này. Theo ghi nhận từ Cục An ninh Giao thông Mỹ (TSA), từ năm 2010 đến 2014, đã phát hiện tổng cộng 30.621 vụ mất cắp đồ đạc giá trị trong vali của khách đi máy bay, trị giá tới 2,5 triệu USD.

Sân bay quốc tế John F. Kennedy (JFK) ở New York dẫn đầu về nạn trộm cắp hành lý. Tiếp theo là Los Angeles, Orlando sau mới đến Miami.

Camera giám sát tại sân bay JFK cho thấy có trường hợp nhân viên xếp dỡ hành lý ăn cắp tài sản trị giá tới 5.000 USD của khách, bao gồm đồng hồ Seiko, điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad, máy ảnh, nhẫn vàng và tiền mặt.

Tất cả nhân viên tham gia vụ trộm cắp này đều bị bắt giữ. Phần lớn số hàng này được họ đem bán trên trang thương mại điện tử eBay.

Còn tại Los Angeles, năm ngoái, cảnh sát cũng ghi nhận các vụ mất cắp hành lý là máy tính, đồng hồ, trang sức đá quý, máy ảnh và túi xách hàng hiệu. 16 nhân viên sân bay liên quan đến vụ việc đã bị sa thải.

Patrick Gannon – Cảnh sát trưởng tại khu vực sân bay quốc tế Los Angeles cho rằng, chuyện trộm cắp hành lý có thể dẫn tới hoặc liên quan đến nhiều vấn đề tồi tệ hơn. “Tôi nghĩ hẳn là có mối liên hệ nào đó giữa những tên trộm này và các tay khủng bố”, Gannon nhấn mạnh.

Không chỉ các sân bay, ngay cả TSA cũng đau đầu với vấn đề này khi phải sa thải tới 513 nhân viên liên quan tới các hành vi trộm cắp hành lý suốt từ năm 2002. Hiện đơn vị này có khoảng 50.000 nhân sự và năm ngoái phải kiểm tra hơn 443 triệu hành lý ký gửi cùng 1,7 tỷ hành lý xách tay cho khách tại sân bay.

Theo Xã luận

Mời bạn xem thêm:

Người phụ nữ móc túi như trộm chuyên nghiệp

Trộm đột nhập ăn cắp 2 xe máy trong nháy mắt

Tìm được tác phẩm bị đánh cắp của Họa sĩ Lê Bá Đảng nhờ camera giám sát