Hình thức gắn camera trên người cảnh sát để tăng cường hiệu quả xử lý, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm giao thông sắp được áp dụng ở Việt Nam.

Thời gian gần đây, Ban an toàn giao thông TP Hồ Chí Minh đã đề xuất với Quỹ Bloomberg Philanthropies (Mỹ) trang bị loại camera gắn trên mũ cho lực lượng CSGT để tăng cường giám sát, xử lý các vi phạm giao thông.

Đây là đề xuất nằm trong Chương trình cưỡng chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về an toàn giao thông mà TP Hồ Chí Minh vừa làm việc với Quỹ Bloomberg. Theo đó, loại camera này có thể giúp CSGT tăng cường khả năng giám sát, xử lý các vi phạm về giao thông người đi đường trong các trường hợp phạt nguội.

Đây là lần đầu tiên việc trang bị camera giám sát cho cảnh sát được đề xuất thực hiện ở Việt Nam, nhưng ở Mỹ, hình thức giám sát này đã được cảnh sát áp dụng rộng rãi và đã thu được những kết quả rất khả quan.

Hồi cuối năm ngoái, thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri của Mỹ chìm trong làn sóng bạo động tồi tệ sau khi cảnh sát bắn chết thanh niên da màu Michael Brown không có vũ khí. Cộng đồng người da màu ở thị trấn Ferguson cho rằng cảnh sát đã lạm quyền, trong khi cảnh sát bào chữa rằng họ chỉ nổ súng khi Brown tìm cách tấn công cảnh sát.

 
Bạo loạn kinh hoàng ở thị trấn Ferguson hồi năm ngoái

Bạo động nổ ra khi cảnh sát không đưa ra được chứng cứ chứng minh rằng hành động của họ là chính đáng, trong khi các nhân chứng lại đưa ra những lời khai mâu thuẫn nhau. Trước thực tế đó, chính phủ Mỹ đã quyết định áp dụng đại trà một biện pháp mới nhằm chống lại tội phạm hiệu quả hơn, đó là gắn camera trên người cảnh sát.

Ông Steve Tuttle, người phát ngôn hãng Taser International chuyên sản xuất camera cho cảnh sát tuyên bố: “Nếu chúng ta có thể ngăn chặn vụ Ferguson bằng những chiếc camera này, hoặc ngăn ngừa hành động nổ súng bừa bãi hay sử dụng bạo lực vượt quá thẩm quyền của cảnh sát, thì đây chính là sản phẩm mang tính bước ngoặt”.

Cho đến nay, khoảng 1/3 trong số 18.000 sở cảnh sát trên toàn nước Mỹ đã cho nhân viên của mình đeo camera giám sát trên người mỗi khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong một nỗ lực nhằm lấy lại niềm tin của cộng đồng đối với lực lượng hành pháp.

 
Cảnh sát Mỹ bắt đầu đeo camera trên người trong khi thực hiện nhiệm vụ để cải thiện quan hệ với cộng đồng

Kể từ khi chương trình này bắt đầu được áp dụng thử nghiệm từ 2 năm trước đây, sĩ quan cảnh sát Jason Flam thuộc đồn cảnh sát Mesa đã buộc phải đeo camera mỗi khi đi thực hiện nhiệm vụ.

Sĩ quan cảnh sát này cho biết: “Từ khi bước vào nghề, tôi đã bị nhiều đối tượng vu cáo những điều mà tôi không thực hiện, và tôi muốn chấm dứt điều đó bằng cách đeo chiếc camera này”.

Sau khi Flam đeo chiếc camera lên ngực áo, nó sẽ liên tục ghi hình và xóa những hình ảnh cũ để tránh hiện tượng đầy bộ nhớ. Khi được bật lên, chiếc camera này sẽ ghi lại toàn bộ những hình ảnh và lời nói diễn ra trước mặt viên cảnh sát. Mỗi khi ra khỏi xe tuần tra, cảnh sát đều được yêu cầu bật chiếc camera này lên.

Khi hết ca trực, Flam lại cắm chiếc camera vào máy sạc, và đoạn video được mã hóa sẽ được tự động tải lên máy chủ của nhà cung cấp Taser International. Đoạn video này có thể được chia sẻ, nhưng không ai có thể biên tập, xóa hay truy cập vào đoạn video đó ngoại trừ cảnh sát trưởng và những người có thẩm quyền.

 
Camera ghi lại hình ảnh cảnh sát dùng súng khống chế nghi phạm ăn cắp xe hơi

 

Cảnh sát Flam tâm sự khi đeo chiếc camera này: “Tôi cho rằng nếu bạn không làm điều gì sai trái, bạn không có gì phải lo sợ khi đeo nó”.

Chiếc camera rất nhỏ này có thể được đeo lên kính, mũ, lên ngực áo, phù hiệu và ghi lại những hình ảnh theo góc nhìn của người đeo.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình này, ông Frank Milstead, đồn trưởng đồn cảnh sát Mesa cho biết: “Mọi người đều hành động đẹp hơn khi đứng trước chiếc camera. Các đối tượng khi biết họ đang bị cảnh sát ghi hình đều tuân thủ mọi mệnh lệnh do cảnh sát đưa ra mà không có những lời nói hay hành động chống đối”.

Các chuyên gia pháp lý ở Mỹ cho biết có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hai điều rất quan trọng: Thứ nhất, khi cảnh sát đeo camera, những lời tố cáo của công dân với các nhân viên hành pháp giảm hẳn, và thứ hai, hiện tượng cảnh sát lạm dụng vũ lực cũng giảm theo.

 
Số vụ cảnh sát phải sử dụng đến vũ lực giảm hẳn kể từ khi áp dụng chương trình đeo camera giám sát
 

Một nghiên cứu của hãng thăm dò dư luận Gallup cho thấy sau khi cảnh sát đeo camera, số vụ cảnh sát phải sử dụng vũ lực giảm tới 88%, trong khi số đơn thư tố cáo cảnh sát cũng giảm 59%.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi nỗ lực của lực lượng cảnh sát trong việc trang bị các camera đeo trên người trong khi thực thi nhiệm vụ để cải thiện quan hệ với dân chúng.

Tuy nhiên, ông Obama cũng cảnh báo rằng đây không phải là “chiếc đũa thần” để giải quyết mọi chuyện, mà điều quan trọng là Mỹ cần có khuôn khổ pháp lý để đảm bảo rằng quyền tự do cá nhân được tôn trọng, và cả cảnh sát lẫn người dân đều cảm thấy thoải mái với việc sử dụng công nghệ mới này.

Theo 24H

Mời bạn xem thêm:

Đề xuất gắn camera trên mũ cảnh sát giao thông

Cần lắp camera để quan sát CSGT xử lý người vi phạm'

Camera giao thông và quy chế “phạt nguội” trên thế giới