Khi xu hướng nhà thông minh đang ngày càng nở rộ cũng là lúc những đồ đạc trong gia đình trực tuyến nhiều hơn, và chúng sẽ đối diện với nhiều lỗ hổng bảo mật như khóa kết nối bị hack để kẻ trộm vào nhà, lò vi sóng kết nối có thể nhiễm botnet giúp kẻ gian lợi dụng để tấn công các hệ thống khác, hay thậm chí dữ liệu nhiệt có thể được sử dụng để theo dõi chuyển động của bạn… Hiểu được vấn đề bảo mật căn nhà thông minh, bạn sẽ có những biện pháp hữu ích chống lại những hiểm họa luôn rình rập.

 

1. Sử dụng giao thức WPA2 cho mạng gia đình

Khi thiết lập mạng không dây (Internet wifi), có thể bạn chọn sử dụng giao thức bảo mật Wired Equivalent Privacy (WEP), Wifi Protected Access (WPA) hoặc Wifi Protected Access II (WPA2).

Trong số này, WEP là phương pháp yếu và dễ dàng bị bẻ khóa nhất, trong khi WPA2 dù không phải thực sự hoàn hảo nhưng nó vẫn vô cùng an toàn hơn so với WEP, và là bản nâng cấp mạnh mẽ hơn so với WPA.

 

2. Nếu có thể, tạo ra 2 mạng wifi khác nhau

Nếu có một thiết bị phát sóng wifi (router) băng tần kép, bạn có thể sử dụng nó cho việc tạo ra mạng riêng biệt cho tất cả các thiết bị của bạn, nhất là khi bạn sử dụng các thiết bị ảnh hưởng đến hóa đơn (như tiền điện, ngân hàng và lưu trữ thông tin nhạy cảm…).

Bằng cách này, nếu một hacker truy cập vào một bóng đèn kết nối mạng, chúng sẽ không thể kết nối vào cổng mạng khác, nghĩa là chúng không có quyền truy cập vào các dữ liệu quan trọng của bạn.

 

3. Cung cấp cho mạng một tên vô danh

Bạn không nên để tên hệ thống mạng theo mặc định mà thiết bị phát sóng wifi cung cấp. Ngoài ra, bạn cũng đừng đặt tên của bạn cho mạng hay bất cứ điều nào tương tự. Bởi, khi sử dụng kiểu tên này, kẻ gian có thể nhận dạng ra bạn và từ đó tạo cơ hội cho chúng phá vỡ hệ thống bảo mật của bạn. Tốt nhất là bạn nên nghĩ ra những cái tên ít hấp dẫn đối với hacker.

 

4. Sử dụng một mật khẩu mạnh

Bạn không nên sử dụng bất kỳ mật khẩu nào có tính phổ biến. Một chuỗi dài những con số ngẫu nhiêu, kết hợp chữ cái và biểu tượng là điều tốt nhất. Nếu đang lo lắng về việc quên mật khẩu, hãy ghi nó lên một mảnh giấy và dán nó vào tủ lạnh để xem lại sau này.

 

5. Bật công cụ tường lửa

Hầu hết máy tính đi kèm với phần mềm tường lửa được cài đặt và kích hoạt sẵn theo mặc định, nhưng không phải vì thế mà bạn bỏ lơ việc kiểm tra nó. Bạn hãy kiểm tra các thiết lập bảo mật mạng của bạn; nếu không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy máy đang được một bức tường lửa bảo vệ, thì hãy tìm và tải về một công cụ tường lửa để cài đặt cho hệ thống.

 

6. Kiểm tra tất cả các thiết bị kết nối

Điều này có thể mất một khoảng thời gian cho bạn, nhưng chắc chắn nó rất cần thiết. Hầu hết các thiết bị mạng như bóng đèn, tủ lạnh hoặc game console bao gồm thông tin về các cổng, giao thức mạng và địa chỉ IP mà chúng sử dụng. Bạn chỉ cần truy cập trang hỗ trợ của từng thiết bị, hoặc tham khảo hướng dẫn trong sách đi kèm thiết bị. Một khi biết được nhu cầu kết nối của một thiết bị nào đó, bạn có thể truy cập vào tường lửa và hạn chế lưu lượng truy cập đến những cổng độc quyền. Không có lý do gì để mọi thiết bị có thể tự do truy cập vào tất cả các trang web. Bạn cũng có thể đi sâu vào các thiết lập cài đặt trên điện thoại, máy tính bảng, máy tính và bất cứ thiết bị Internet of Things (IoT) nào khác kết nối với hệ thống mạng.

 

7. Liên tục cập nhật

Việc cập nhật firmware thường xuyên là điều quan trọng nhất, bởi chúng sẽ giúp thiết bị của bạn được bảo vệ chống lại các hoạt động tấn công biết đến, cũng như bịt lỗ hổng nguy hiểm.

Bất cứ khi nào có thể, bạn hãy tiến hành cập nhật phần mềm mới khi firmware xuất hiện. Nếu sợ quên, bạn hãy thiết lập một lời nhắc nhở định kỳ trên ứng dụng lịch, điều này sẽ giúp bạn không thể quên việc cập nhật firmware cho thiết bị của mình.