Thuật ngữ ABS (Anti-lock Braking Systems) đã dần trở nên quen thuộc với những người lái xe chuyên nghiệp vì bộ phận mang tên này đã xuất hiện trên hầu hết các mẫu xe mới.

 

Tính năng và công dụng của ABS

Khi được hỏi: “Gặp tình huống khẩn cấp trên đường, là người lái xe, bạn làm việc gì đầu tiên?”, hầu hết các người lái đều trả lời là đánh lái hoặc đạp phanh ngay lập tức. Việc thay đổi hướng lái bất ngờ sẽ tăng nguy cơ gặp nạn hay gây tai nạn rất cao. Còn nếu đạp phanh gấp với mong muốn xe sẽ dừng lại ngay lập tức thì ở trạng thái tốc độ cao, chiếc xe sẽ không dễ đứng ngay lại, mà theo quán tính, dàn bánh xe bị siết cứng vẫn lết thêm một đoạn nữa. Khi đó, ngoài tình trạng bánh xe ma sát mạnh với mặt đường có nguy cơ bị bốc cháy, việc tiếp tục điều khiển chiếc xe cho an toàn thêm một đoạn đường dù ngắn cũng là một thách thức đối với người lái.

 

Để hỗ trợ người lái có thể kiểm soát được tay lái trong những tình huống phanh khẩn cấp hay điều khiển xe trên những mặt đường trơn trượt, hệ thống ABS đã ra đời hồi thập niên 1970. Trái với suy nghĩ của đa số người cầm lái, ABS không giúp ghìm bánh xe lại nhanh hơn bình thường hay rút ngắn đoạn đường trượt của bánh xe khi đạp phanh gấp, mà giúp người lái có thể làm chủ được tay lái trong khi phanh gấp vì bánh xe không bị khóa cứng, xe sẽ không bị trượt theo quán tính dẫn đến tình trạng không kiểm soát được.

Trong kết cấu của ABS trên xe ôtô gồm có bộ cảm biến lắp trên bánh xe (Anti-lock Brake Sensors) với chức năng ghi nhận tình trạng hoạt động của bánh, bộ điều khiển ABS (Anti-lock Brake Control Module) và bộ điều khiển thủy lực (Hydraulic Control Unit) thực hiện nhiệm vụ thay đổi áp suất trong piston phanh. Trong những thiết kế ABS mới nhất, các thông số về tình trạng chuyển động của xe, độ bám đường, kết quả kiểm soát hành trình… được bộ điều khiển ABS đánh giá để quyết định cường độ và tần số của lực tác động lên các má phanh. Áp suất dầu trong hệ thống không chỉ do lực đạp phanh tạo nên, mà còn có sự hỗ trợ của bơm.

Kiểu ABS hiệu quả nhất và đắt tiền nhất (thường được lắp trên các loại ôtô cao cấp) có thể tự động điều chỉnh áp suất dầu trong piston phanh trên từng cụm bánh, số cảm biến đo vận tốc góc, module áp suất… Các ABS rẻ tiền hơn thường chỉ có hai cảm biến gắn ở bánh sau, một thiết bị điều áp chung và một đường điều khiển.

 

Tình trạng hoạt động của ABS được hiển thị qua đèn báo trên bảng điều khiển trước mặt người cầm lái, sẽ sáng lên khi bật chìa khóa khởi động và tắt sau khi máy đã nổ khoảng hai, ba giây. Nếu đèn này tiếp tục sáng khi động cơ đang hoạt động có nghĩa là hệ thống bị trục trặc, cần kiểm tra ngay.

 

Trong điều kiện chạy và phanh bình thường, người lái không cảm thấy có gì khác biệt giữa một chiếc xe có ABS và chiếc khác chỉ được trang bị hệ thống tiêu chuẩn nhưng không có ABS. Chỉ trong những lúc thắng gấp, ABS mới phát huy tác dụng. Khi đó, bàn thắng sẽ rung mạnh với những cú nhồi đập cao hơn, tiếp nối bởi một tiếng “click” khá rõ ràng. Cơ chế hoạt động của ABS được giải thích sơ bộ như sau:

- Khi người lái đạp gấp chân phanh, dầu phanh sẽ được đẩy vào trong bộ điều khiển thủy lực và được ép lại tại đây để tạo ra áp suất trước khi dầu đến các cụm phanh ở từng bánh xe.

- Trong khi phân tích những dữ liệu do bộ cảm biến tại các bánh xe cung cấp, nếu nhận biết chiếc bánh nào đó sắp bị khóa cứng thì bộ điều khiển ABS sẽ đóng valve, không cho dầu đổ xuống nữa và mở valve khi cần cho dầu phanh lưu thông trở lại, bảo đảm cho bánh xe lăn đều trong khi giảm tốc, tránh tình trạng bánh xe bị khóa cứng.

- Khi xe di chuyển với vận tốc 20km/g trở lên, ABS sẽ tự động vận hành và phát ra tiếng “click” bên trong máy, còn dưới 20km/g thì ABS không hoạt động.

- Nếu ABS gặp trục trặc, xe vẫn tiếp tục hoạt động với hệ thống thắng tiêu chuẩn. Thông thường, khi đèn vàng trên đồng hồ ABS sáng lên báo hiệu có trục trặc thì đó là lúc hệ thống tự động được chuyển về trạng thái tiêu chuẩn, hệ thống chống bó cứng phanh ABS không còn làm việc hiệu quả trong những lúc phanh gấp nữa.

Phải tập phanh gấp cho thành thạo

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ tai nạn giữa xe có và không có ABS gần như không khác nhau là bao. Điều này được giải thích là có nhiều người lái quan niệm sai về ABS. Nếu lái chiếc xe không có thiết bị này, nhiều người tỏ ra rất cẩn thận, nhưng với xe được trang bị ABS thì tâm lý yên tâm, thoải mái khiến một số người lại phóng nhanh vượt ẩu. Xin lưu ý rằng việc giữ được hướng của xe theo ý muốn sau khi phanh gấp không phải do ABS, mà hoàn toàn phụ thuộc kỹ năng của người điều khiển, ABS chỉ là công cụ trợ giúp.

Một điều bất ngờ là chính Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) cho rằng ABS vẫn còn là công nghệ xa lạ với nhiều người Mỹ. Vì thế, điều quan trọng trước tiên là người lái phải được đào tạo để thực hiện động tác phanh một cách nhẹ nhàng trên những đoạn đường trơn, chủ động tránh tình trạng xe bị trượt trước khi nghĩ tới sự trợ giúp của ABS.

 

Trong tình huống khẩn cấp, người lái phải bỏ thói quen giảm tốc độ “nhấn rồi nhả”. Phương pháp tốt nhất lúc đó là “nhấn và lái”. Lý do là ABS đã làm hộ việc chống bó cứng bánh xe, nhiệm vụ của tài xế chỉ là điều khiển sao cho xe an toàn nhất. Không được “bơm” chân trên bàn phanh vì làm như vậy hệ thống ABS sẽ đóng mở liên tục. Khi gặp trường hợp nguy cấp, ABS sẽ tự “bơm”, giúp lái xe với tốc độ nhanh và hiệu quả hơn, giữ cho bánh xe không bị khóa lại và người lái dễ dàng điều khiển tay lái hơn. Nếu xe lâm vào tình huống nguy hiểm, phải chủ động bẻ tay lái vì ABS chỉ tạo điều kiện cho người lái điều khiển tay lái chứ không lái thay người.

Có một lời khuyên là để bình tĩnh xử lý tình huống trên đường và có được những thao tác phù hợp, những ai mới làm quen với ABS nên tìm một nơi phù hợp để thử nghiệm và tập điều khiển xe khi phanh gấp với sự hỗ trợ của ABS cho thuần thục. Sự thành thạo trong xử lý tình huống không chỉ có thể giúp tránh được tai nạn, mà còn giúp khai thác tối đa hiệu quả của thiết bị này.

 

 

NAM LONG/DNSGCT