Dẹp mại dâm, trộm cướp bằng hàng trăm 'Mắt thần' an ninh
Hàng loạt camera được gắn dọc "phố đèn đỏ" và trước các quán cà phê đèn mờ ở phường 12, quận Gò Vấp, TP HCM. “Thấy camera theo dõi, khách mua dâm đâu dám tới nữa”, trưởng công an phường chia sẻ.
Trung tá Lê Thành Hưng – Trưởng Công an phường 12 – cho biết, nhờ camera giám sát mà hàng chục vụ trộm cắp, tệ nạn xã hội được phát hiện, can thiệp kịp thời. Trong đó có việc giải quyết tệ nạn mại dâm trên đường Phan Huy Ích và Tân Sơn - nơi được gọi là "phố đèn đỏ".
Theo trung tá Hưng, do đường Tân Sơn nằm giáp ranh với phường 15, quận Tân Bình, nên khi bị truy quét gái bán dâm chạy về bên đó, không cách gì giải quyết dứt điểm. Đơn vị của ông sau đó cho lắp 4 camera theo dõi ở hai trục đường
"Trong đêm, anh em dồn 2 đầu đường bắt bằng được hai cô gái đưa về trụ sở. Ban đầu họ chối dữ lắm nhưng khi cho xem các hình ảnh từ camera thì các cô hoảng hồn. Mình phạt hành chính rồi cho về, mục đích để họ nói với những người khác về sự hiện diện của camera. Dần dần tệ nạn ở hai tuyến đường này không còn”, trung tá Hưng kể.
Tương tự, Công an phường 12 cho lắp camera đối diện các quán cà phê đèn mờ, những con hẻm là tụ điểm cờ bạc, đá gà. Một thời gian sau, những quán này đóng cửa hoặc chuyển đổi hình thức kinh doanh. “Lắp camera cũng như đánh vào tâm lý người ta. Thấy camera theo dõi, khách mua dâm đâu dám tới nữa”, trưởng công an phường chia sẻ.
Triển khai thí điểm tháng 8/2013 chỉ với 4 camera, đến nay toàn phường có 230 “mắt thần” lắp tại 132 khu nhà trọ, 19 tuyến hẻm và nhiều tuyến đường của phường 12 với tổng kinh phí gần 850 triệu đồng. Hình ảnh từ các camera ở nơi được truyền về trung tâm điều khiển. Lực lượng bảo vệ dân phố sẽ có mặt xử lý chậm nhất 5 phút sau khi phát hiện dấu hiệu tội phạm.
“Nhiều người không tin chứ toàn bộ vốn lắp đặt do người dân đóng góp, chúng tôi chỉ vận động, đấu nối để giám sát thôi”, ông Hưng cho hay.
Lúc đầu, công an phường phải mang máy chiếu, hệ thống giám sát qua máy tính đến từng khu phố trình diễn mô hình cho người dân xem, ai cũng tâm đắc. Nhưng khó khăn nhất là kinh phí bởi có gia đình khá giả, có người nghèo nên không thể chia bình quân. Theo đó, công an phường đã vận động những gia đình khá trước, mỗi hộ đồng ý đóng 2-3 triệu đồng.
"Một hệ thống camera cần khoảng 17-18 triệu nên thiếu bao nhiêu những hộ khác chia ra đóng, hộ nghèo thì được miễn, nên ai cũng hồ hởi tham gia. Ban đầu chỉ làm ở vài hẻm, sau thấy an ninh trật tự thay đổi rõ rệt nên những hẻm, khu nhà trọ cạnh đó góp kinh phí lắp đặt. Mô hình dần nhân rộng khắp địa bàn", trung tá Hưng nói.
Ngoài ra, lực lượng công an, bảo vệ dân phố còn được trang bị 40 bộ đàm giúp họ dễ dàng kết nối với nhau khi hoạt động. Người dân còn đóng góp 84 triệu đồng mua 4 xe máy để lực lượng đi tuần.
Nói về an ninh khu vực, ông Cao Lân - người dân khu phố 10 - cho biết, trung bình mỗi nhà đóng 200.000 đồng cho việc triển khai lắp camera nhưng hiệu quả rất cao. “Không còn trộm cắp, tệ nạn cờ bạc, mại dâm, đá gà cũng biến mất. Ngay cả người dân cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh khu phố vì ai cũng biết có những 'mắt thần' đang dõi theo”, ông Lân nói và chỉ vào chiếc camera gắn trên bức tường con hẻm.
Mô hình “Camera giám sát khu dân cư” của phường 12 quận Gò Vấp hồi tháng 3 được Bộ Công an tuyên dương vì hiệu quả giữ gìn an ninh. Hiện, mô hình được nhân rộng ra nhiều phường, xã tại TP HCM.
Tổng hợp
Mời bạn xem thêm:
Chủ nhà ngủ say, trộm vào lấy xe máy, 1,5 cây vàng và 14 triệu đồng
Nhờ camera, hiệp sĩ bắt nữ trộm hàng loạt shop thời trang
Camera ghi hình người làm công đột nhập, trộm hơn nửa tỷ