Google Assistant và Alexa, Ai thạo việc hơn?
Tại CES 2019, rất nhiều hãng công nghệ đã tích hợp trợ lý ảo Google Assistant và Alexa vào sản phẩm của mình. Vậy các trợ lý ảo này có tác dụng gì? Và cái tên nào được xem là tốt nhất trong năm 2020?
Alexa là trợ lý ảo khá nổi tiếng của Amazon được tích hợp trên các thiết bị như loa thông minh Amazon Echo, điều khiển tivi thông minh Fire TV, tivi thông minh và mở rộng hơn với một loạt các sản phẩm như xe hơi, đồ điện tử, nhà thông minh...
Trong khi đó, Google Assistant là cái tên sinh sau đẻ muộn từ gã khổng lồ Google với mục tiêu giành lại thị phần từ Alexa . Với lợi thế về kho dữ liệu tìm kiếm, trợ lý ảo của Google hỗ trợ nhiều ngôn ngữ và quốc gia hơn so với Alexa của Amazon.
Cả 2 trợ lý ảo này đều được "ông chủ" của mình ra sức tích hợp lên nhiều thiết bị từ ô tô, tivi, smartphone cho đến đồ điện tử như đèn thông minh, loa thông minh, nhà thông minh...
Google Assistant và Alexa có thể làm được điều gì?
Trợ lý ảo thông minh thì phải thông minh rồi, tuy nhiên Google Assistant và Alexa đều có những điểm khác biệt với nhau rõ rệt. Mặc dù Alexa được nâng cấp thường xuyên với khả năng xử lý tình huống cao hơn, tuy nhiên trong quá trình sử dụng nếu bạn ra lệnh quá hóc búa hay với nhiều nội dung cùng một lúc thì trợ lý ảo này sẽ không đảm đương nổi.
Ví dụ, khi đang nghe nhạc bằng loa thông minh của Alexa, nếu bạn không thích bài hát đó và nói bóng gió "tôi không thích bài này" thì sẽ không có chuyện gì xảy ra cả. Thay vào đó, bạn phải ra lệnh "đổi bài".
Google Assistant không như vậy, với lợi thế từ công nghệ tìm kiếm của Google, trợ lý ảo này có thể thấu hiểu nhiều tình huống khác nhau. Với trường hợp trên, khi nói "tôi không thích bài này" thì ngay lập tức Google Assistant sẽ chuyển bài hát cho bạn.
Có thể nói, Alexa là một trợ lý ảo nghiêm túc, phục vụ nhanh gọn, đầy đủ nhu cầu cho người dùng. Còn Google Assistant thì thấu hiểu hơn, có thể phán đoán và phân biệt được nhiều tình huống trong quá trình sử dụng.
Google Assistant và Alexa, "ai" thạo việc hơn?
Trợ lý ảo Alexa được cập nhật thường xuyên, hiện tại đã hỗ trợ trên hàng chục ngàn câu lệnh điều khiển bằng giọng nói. Phạm vi hỗ trợ của Alexa khá rộng lớn từ các thông tin cơ bản như thời tiết, nhiệt độ, giá cả đến các thủ thuật trong cuộc sống như sửa nhà, nấu ăn, mua sắm...
Trong khi đó, Google Assistant ra đời muộn hơn nên hiện tại chỉ hỗ trợ vài trăm câu lệnh điều khiển. Thế nhưng trợ lý ảo của Google có thể liên kết đến kho dữ liệu bên ngoài của Google để mở rộng khả năng tìm kiếm, và người dùng có thể tìm được nhiều thứ thú vị khác ngoài những câu lệnh có sẵn.
Nói một cách cơ bản, Alexa làm việc chuyên nghiệp hơn nhưng Google Assistant cho ta hứng thú với những gì đang xảy ra, và có thể xem trợ lý ảo này như một người giúp việc thực thụ.
Ví dụ, nếu bạn yêu cầu tìm kiếm một chương trình truyền hình thực tế và phát nó thì cả Alexa và Google Assistant đều cho ra kết quả khá tương đồng với nhau. Tuy nhiên, nếu thêm một vài yếu tố đằng sau tên chương trình như châm biến, trích đoạn hài... thì chỉ có Google Assistant mới làm bạn hài lòng.
Các kỹ năng của Alexa có vẻ hơi khô cứng, bạn cần truyền tải chính xác nội dung theo yêu cầu, hạn chế dùng tiếng lóng hay nghĩa tương đồng để kết quả cho ra được chính xác hơn. Tuy nhiên, ưu điểm của trợ lý ảo này là xử lý câu lệnh dứt khoát, nhanh chóng.
Trong khi đó, bạn có thể giao tiếp thoải mái với Google Assistant, nếu câu lệnh của bạn chưa đi vào trọng tâm được lập trình sẵn, trợ lý ảo này sẽ gợi ý cho bạn những hành động tương đồng khác.