Hiệu quả của “mắt thần” - Camera giám sát
Thực tiễn sử dụng camera kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông cho thấy, hệ thống "mắt thần" đã phát huy hiệu quả. Giải pháp này không chỉ giảm tải cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội làm nhiệm vụ trên các tuyến, nút giao thông, mà còn phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự...
Phủ kín tầm nhìn
Cuối năm 2015, trước áp lực giao thông dịp gần Tết Nguyên đán, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội đã đưa việc sử dụng camera trong kiểm soát và xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ thành chuyên đề thường xuyên. Hơn 400 camera đã được lắp đặt để theo dõi lưu lượng phương tiện, kiểm tra xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ và giám sát toàn bộ hoạt động giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Hệ thống camera có thể phát hiện phương tiện vi phạm và chụp ảnh lại biển số một cách rõ nét với thông tin đầy đủ, chính xác truyền về Trung tâm Chỉ huy điều khiển giao thông. Thông qua những hình ảnh vi phạm đã được hệ thống ghi nhận, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, chốt, sẽ thực hiện việc dừng phương tiện vi phạm để kiểm tra, xử lý theo quy định. Đối với những trường hợp không dừng ngay được phương tiện để xử lý, lực lượng CSGT có văn bản gửi chủ phương tiện vi phạm để yêu cầu người có hành vi vi phạm đến trụ sở giải quyết theo quy định của pháp luật.
"Hệ thống camera đã giúp ích rất nhiều cho lực lượng CSGT trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc quan sát, nắm bắt được tình hình giao thông trên địa bàn để kịp thời huy động lực lượng giải quyết, không để phát sinh các vụ ùn tắc giao thông" - Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đánh giá. Có "mắt thần" giám sát, giúp lực lượng CSGT có thể phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật, nhất là các vụ cướp, cướp giật, tai nạn, sự cố cháy nổ... để phục vụ công tác điều tra và bố trí lực lượng kiểm tra, giải quyết.
Bên cạnh đó, việc áp dụng hệ thống camera giám sát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ kết hợp với công tác tuyên truyền đã góp phần đáng kể nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô. Chẳng hạn, anh Nguyễn Vũ Quang Huy (phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm) điều khiển ô tô vượt đèn đỏ lúc 11h đêm, tưởng chừng không bị phát hiện, nhưng sau đó anh nhận được thông báo của CSGT yêu cầu đến trụ sở để giải quyết và được lực lượng chức năng cho xem lại hình ảnh vi phạm của mình. Sau vụ việc này, anh Huy rút ra bài học, phải cẩn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ bất kể lúc nào.
Nâng cao hiệu quả
Coi đẩy mạnh xử phạt “nguội” là một trong những giải pháp để giảm vi phạm, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, từ đầu năm 2016 đến nay, CSGT toàn thành phố rất chú trọng công tác này. Nếu như năm 2015, qua hệ thống camera giám sát, CSGT phát hiện và xử lý gần 4.000 phương tiện vi phạm, trong đó phạt “nguội” khoảng hơn 2.000 xe, thì chỉ từ đầu năm 2016 đến nay, CSGT phát hiện, xử lý 5.272 trường hợp vi phạm, ra quyết định tước giấy phép lái xe đối với hơn 1.000 trường hợp. Qua camera, CSGT xử phạt trực tiếp 2.360 trường hợp, xử phạt tại Trung tâm Chỉ huy điều khiển giao thông gần 3.000 trường hợp. Đặc biệt, rà soát qua camera, CSGT đã lập hồ sơ xác minh, gửi thông báo cho hàng nghìn trường hợp liên quan. Đáng nói, số chủ phương tiện bị xử phạt đều “tâm phục, khẩu phục”, chấp hành nghiêm quyết định xử phạt.
Tuy vậy, việc xử lý “nguội” vi phạm giao thông qua camera giám sát còn gặp khó khăn, nhất là đối với trường hợp mô tô, xe máy sau chuyển nhượng không được đăng ký đúng chủ phương tiện. Chưa kể, sau khi phát hiện vi phạm phải mất nhiều thời gian để xác định người vi phạm, dẫn đến hiệu lực xử lý chưa cao. Theo Phòng CSGT, để khắc phục rất cần nâng cao ý thức của người dân trong việc đăng ký và khẳng định sở hữu phương tiện…
Từ nay đến cuối năm 2016, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Chỉ đạo 197 thành phố cũng như Công an Hà Nội tập trung chỉ đạo là đẩy mạnh việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng hình ảnh tại các tuyến giao thông trọng điểm trên địa bàn. Không chỉ nhằm mục đích kéo giảm vi phạm trong “Năm an toàn giao thông 2016” và “Năm trật tự và văn minh đô thị 2016” mà còn góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Với dự báo lưu lượng phương tiện sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm, việc sử dụng camera giám sát giao thông cũng sẽ giúp cho Chỉ huy Phòng CSGT chủ động trong việc huy động, bố trí lực lượng, giúp CBCS tập trung cho công tác hướng dẫn giao thông. Hy vọng, có sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống “mắt thần”, vi phạm sẽ giảm và giao thông sẽ thông suốt trong cao điểm cuối năm.
Theo Hà Nội mới