Hiệu quả từ camera chống trộm, cướp
Việc thường xuyên xảy ra trộm cắp, cướp giật và tệ nạn xã hội luôn là vấn đề đau đầu của nhiều địa phương.
Tuy nhiên, kể từ khi lắp đặt camera giám sát tại một số khu dân cư trên địa bàn TP.HCM, tình hình an ninh trật tự ở các khu phố được cải thiện đáng kể.
Cán bộ CAP13, Q.3 túc trực bên màn hình quan sát 24/24
Người dân còn… “hớ hênh”
Đại úy Trần Hữu Phúc, Phó Trưởng Công an phường 13, Q.3, TP.HCM, cho biết, kể từ khi đưa hệ thống camera quan sát (tháng 8/2013) vào vận hành đến nay, tình hình an ninh trật tự của khu phố 3 trên địa bàn P.13 khá ổn định. Trong tổng cộng 22 camera có 1 máy đặt tại trụ sở công an phường (CAP), 2 máy đặt tại UBND phường và 19 máy đặt tại 3 hẻm trên đường Lê Văn Sỹ là hẻm 339, 351 và 359. Nhờ hệ thống máy ghi hình giám sát, CAP khám phá được nhiều vụ trộm cắp, cướp giật tài sản, ngăn chặn một số vụ phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội trên địa bàn phường. Trong đó, bắt, truy xét, khám phá 5 vụ trộm cắp, 4 vụ cướp giật tài sản, kiểm tra hành chính 8 lượt nghi vấn trộm cắp vào ban đêm, 5 lượt nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy, phát hiện nhắc nhở 138 cá nhân mất cảnh giác bảo vệ tài sản. Bằng việc lưu trữ hình ảnh các đối tượng và phương tiện nghi vấn, hệ thống camera đã hỗ trợ CAP rất nhiều trong việc phá án, đẩy lùi tỷ lệ tội phạm trên địa bàn phường.
Theo ghi nhận, một trong những nguyên nhân của những vụ trộm cắp tài sản là do sự chủ quan của người dân và thiếu ý thức giữ gìn, để tài sản “hớ hênh” ở nơi công cộng, ỷ lại vào hệ thống camera… Trong 10 tháng đầu năm 2014, tại khu phố 3 xảy ra 3 trường hợp trộm cắp tài sản và 3 trường hợp cướp giật đều bị CAP phát hiện qua camera ghi hình. Đại úy Trần Hữu Phúc cho biết, nhờ theo dõi máy quay giám sát, khi có án xảy ra, CAP có thể kịp thời can thiệp hoặc truy xét, giúp khám phá nhiều vụ và bắt giữ nhiều đối tượng tội phạm, không để xảy ra các trường hợp gây thiệt hại nặng cho người dân như trộm đột nhập vào nhà hay trộm cắp xe máy…
Nhanh như… cướp!
Trong khi các đối tượng trộm cắp, hút chích thường hoạt động vào ban đêm, từ sau 22 giờ tới 3 giờ sáng, thì các vụ cướp giật tài sản chủ yếu lại xảy ra vào ban ngày. Điển hình, sáng 25/6/2014, hai thanh niên đi xe máy “lượn” vào hẻm 359, “nghía” thấy một chàng trai đang ngồi trên xe máy trước cổng nhà sử dụng iPad, liền dừng xe lại “canh me”, nhân lúc vắng người qua lại không ai để ý, chúng vòng xe, lướt ngang và tóm “bay” iPad. Tuy nhiên, chưa kịp phóng xe ra khỏi hẻm, hai thanh niên trên đã phải vứt xe máy tháo chạy do tiếng hô hoán của nạn nhân cùng sự vây đuổi của người dân và bị dẫn giải về CAP.
Tương tự, ngày 2/12/2014, một thanh niên khá bảnh bao đi xe Nouvo lợi dụng người phụ nữ vừa dừng xe trước cổng nhà, đang mở yên xe, hắn chạy tới giả bộ hỏi đường rồi “nhanh như cắt” chộp lấy bóp tiền từ trong cốp xe phóng đi trước sự ngỡ ngàng không thốt nên lời của nạn nhân. Nhờ camera quay lại toàn bộ sự việc, chủ nhân của chiếc Nouvo đã bị truy xét thông qua biển số xe.
Lần khác, khi một nhà trong hẻm đang tổ chức đám cưới, trong lúc vài người tụ tập ra bên ngoài vui vẻ chụp hình “tự sướng” thì một đối tượng bịt mặt đi xe Wave đỏ (đã ngồi “canh me” gần đó từ trước) lên ga lướt ngang và cướp bóp tiền của một phụ nữ trong nhóm chỉ trong vòng 3 “nốt nhạc”.
Đại úy Trần Hữu Phúc cho biết, tất cả trường hợp phạm tội trộm cắp, cướp giật đều bị phát hiện, bắt giữ tại chỗ hoặc truy xét, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà phạt hành chính cảnh cáo hoặc truy tố.
Ngoài cướp, giật trắng trợn giữa ban ngày, một số đối tượng cũng hoạt động trộm cắp vào ban đêm như “bẻ” kính chiếu hậu xe hơi hay cắt dây cáp điện, trộm bóng đèn đường… Mặc dù được lắp đặt đã lâu nhưng những tên trộm “vãng lai” dường như vẫn chưa biết đến sự tồn tại của các camera. Hài nhất là chuyện một đối tượng trộm đèn đường do người dân trong khu phố tự góp tiền lắp đặt. Khi đối tượng này đang trèo lên để tháo bóng đèn, qua camera theo dõi, CAP phát hiện ra hành vi “khả nghi” và nhanh chóng chạy đến hiện trường “túm” chân hắn kéo xuống. Tên trộm rõ ràng chẳng biết “trời trăng mây nước” tại sao hắn bị bắt và một mực chối cãi, chỉ đến khi CAP cho hắn xem lại đoạn băng vừa quay được, hắn mới vỡ lẽ.
Bên cạnh các trường hợp phạm tội, sau ống kính camera còn thu được những hành vi ứng xử chưa văn hóa của người dân như việc lén đem rác nhà mình qua nhà hàng xóm đổ để đỡ…tốn tiền, hay “bắt gặp” cảnh tế nhị của các “nam thanh nữ tú” rủ nhau “hò hẹn”, “tâm tình” trong các con hẻm vắng vào đêm khuya.
Đề án đạt hiệu quả cao
Tình hình ANTT ở hẻm 351 được cải thiện nhờ có camera quan sát
Hệ thống camera quan sát thực sự đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho khu phố 3. Về công tác chuyên môn, camera giúp CAP rất nhiều trong điều tra phá án, làm giảm nguy cơ phạm pháp trong địa bàn. Tuy nhiên, theo Đại úy Trần Hữu Phúc thì “Đây chỉ là công cụ hỗ trợ trong quá trình truy xét và công tác phòng ngừa chứ không phải là biện pháp chống trộm hiệu quả nên người dân không được mất cảnh giác, thiếu đi ý thức giữ gìn tài sản. Các đối tượng chuyên nghiệp khi đã biết thì không gây án, đa số những đối tượng bị “tóm” là những tên trộm “vãng lai” từ nơi khác đến, nhưng nếu không có camera thì tỷ lệ phạm tội sẽ còn cao hơn nữa. Tất cả những cái đó tạo nên kết quả ban đầu của hệ thống giám sát này”.
Về mặt xã hội, nhờ có máy ghi hình, người dân tự biết ý thức điều chỉnh hành vi của mình sao cho đúng khuôn khổ văn hóa, pháp luật. “Lúc trước, nhiều ông đi nhậu nhẹt buổi tối về hay đứng ở đầu hẻm “giải quyết nỗi sầu”, nhưng từ khi có camera, tình trạng trên không còn. Các hành vi xả rác, tháo nước gây ô nhiễm môi trường nay cũng không còn” - Đại úy Phúc chia sẻ.
Ngoài ra, camera còn hỗ trợ trong công tác phòng cháy chữa cháy. “Ban đêm, đặc biệt là những hộ dân cho thuê phòng, hay khóa cửa đi rất dễ có hỏa hoạn xảy ra, qua camera có thể phát hiện kịp thời được, tránh trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến những hộ xung quanh. Xì ke ma túy lúc trước cũng hay thường vào các ngách trong các hẻm lớn, sau khi có camera phát hiện bắt xử lý hành chính, cảnh cáo nay đã không còn”-Phó Trưởng CAP13 cho biết thêm.
Cũng theo Đại úy Trần Hữu Phúc:“Việc lắp đặt camera là cần thiết cho những khu vực “phức tạp” vì theo quy luật “đất lành chim đậu”, nơi nào phát động phong trào tốt, nơi đó tội phạm sẽ không hoạt động nữa. Hiện nay, nhiều địa phương, xã phường trên địa bàn thành phố áp dụng đề án camera quan sát, tuy nhiên, quan trọng là cách lắp đặt như thế nào cho đúng. Ví dụ như trường hợp cướp giật, mình lắp camera cao quá thì chỉ quay lại được hiện trường vụ án chứ không thấy được mặt mũi hay biển số xe của tội phạm, hoặc nếu lắp lộ liễu quá, không có sự trông coi giám sát thì camera dễ bị phá hỏng hay trộm cắp”.
Theo Công lý
Mời bạn xem thêm:
Hiệu quả từ hệ thống camera giám sát giao thông