Camera không chỉ được coi là “mắt thần” bảo vệ an ninh trật tự tại các khu phố mà còn giúp xử lý vi phạm an toàn giao thông, ứng cứu ngập nước.
 

Tuy nhiên do chưa có quy chuẩn, quy định gì liên quan đến việc lắp đặt camera nên mỗi đơn vị làm mỗi kiểu, dẫn đến câu chuyện lãng phí trong việc đầu tư sử dụng, khai thác thông tin...

Đủ loại camera
 

Việc sử dụng camera cho mục đích xử phạt (nguội) tình trạng vi phạm luật giao thông trên địa bàn TP HCM được Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP thực hiện từ năm 2004. Thời điểm này có tám camera được bố trí tại các giao lộ để giám sát trật tự, an toàn giao thông.

Đến giai đoạn 2010-2011, sau khi dự án đại lộ đông tây (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ hiện nay) hoàn thành thì cũng có hàng chục camera giám sát tình hình giao thông trên tuyến đường này được lắp đặt và đưa vào vận hành.


Công an phường 12, quận Gò Vấp, TP HCM theo dõi màn hình tivi được truyền về từ các camera quan sát và phòng chống tội phạm đặt tại nhiều tuyến đường trên địa bàn phường.
 

Giai đoạn 2012-2013, mô hình thí điểm gắn camera an ninh tại tổ dân phố, khu phố bắt đầu ở phường 12, quận Gò Vấp. Theo trung tá Lê Thành Hưng - trưởng Công an phường 12, thời gian đầu triển khai chỉ vài chục camera, đến nay trên địa bàn phường 12 đã có tới 350 camera quan sát trên 42 tuyến đường, hẻm; 37 khu nhà trọ và rất hiệu quả, cung cấp nhiều thông tin giá trị.

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn TP có năm đơn vị đã đầu tư hệ thống camera quan sát với những mục đích khác nhau. Mới đây, Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP đã “bỏ tiền túi” lắp đặt 20 camera quan sát nước ngập tại nhiều khu vực trên địa bàn TP.

Ông Bùi Văn Trường, trưởng phòng quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP, cho biết việc lắp camera tại các điểm ngập giúp công tác ghi nhận thực tế chính xác, xác định nguyên nhân gây ngập cụ thể để từ đó điều động lực lượng ứng cứu ngập nước cũng như đề xuất giải pháp chống ngập căn cơ, lâu dài.
 

Chưa đồng bộ
 

Ngày 23/11, chúng tôi vào Trung tâm điều khiển giao thông đặt tại trụ sở Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn.

Tại đây, cán bộ trung tâm cho xem lại đoạn camera thu hình ảnh mờ ảo không rõ nét về một vụ tai nạn giao thông trên đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và đường hầm sông Sài Gòn.

Cán bộ này cho biết hệ thống camera này ở dự án đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (lúc đó do Ban quản lý dự án đại lộ đông tây làm chủ đầu tư, nay là Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP) với thiết bị, công nghệ được thiết kế trước đó nhiều năm nên đã lạc hậu.

Vì vậy chỉ vài năm sau khi đưa vào sử dụng hệ thống camera trên, đến năm 2013-2014 đơn vị quản lý đường và hầm sông Sài Gòn phải bổ sung hệ thống camera hiện đại hơn.

Trong khi rất nhiều đơn vị đầu tư hệ thống camera nhưng việc cùng trực tiếp khai thác thông tin với nhau rất ít, thậm chí trong một số trường hợp xảy ra sự cố về tai nạn trong tầm quan sát của camera nhưng không trích xuất được hình ảnh vì chất lượng hình bị mờ.

Trong số 260 camera quan sát giao thông ở 100 tuyến đường và giao lộ ở TP HCM được đưa về Trung tâm điều khiển giao thông có 180 camera của VOV và 80 camera thuộc Sở Giao thông vận tải quản lý. Hiện nay, chỉ ba đơn vị là Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, VOV và PC67 có thể chia sẻ thông tin với nhau qua hệ thống camera nhưng số lượng cũng hạn chế.

Dư luận cũng đặt vấn đề vì sao khu vực công trường Dân Chủ có bố trí hệ thống camera nhưng vụ án mạng một thầy giáo dạy nhạc bị đâm chết tại khu vực này (đêm 24/10) nhưng không trích xuất được dữ liệu liên quan đến hung thủ.

Một cán bộ Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết khu vực này có camera của VOV được lắp đặt trên những tòa nhà cao tầng để quan sát toàn cảnh giao thông, vì vậy các camera này không thể thấy được biển số xe gây tai nạn hoặc không nhận diện mặt người.

Trung tá Phạm Công Danh, đội trưởng đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông - PC67, cho biết xu hướng chung hiện nay là có sự chia sẻ chung hệ thống camera quan sát giữa các đơn vị và cần được nhân rộng.

Ông Hồ Minh Quân - Công ty cổ phần Nano chuyên lắp đặt thiết bị an toàn, an ninh cho rằng các đơn vị trên địa bàn TP đều lắp đặt hệ thống camera riêng cho mình. Quá trình gắn camera như vậy không chia sẻ thông tin trực tiếp được với nhau, mà còn dẫn đến chuyện lãng phí trong đầu tư.

“Thay vì mỗi đơn vị đầu tư một hệ thống camera thì các đơn vị có thể ngồi lại với nhau, đặt ra nhu cầu để nhà cung cấp tư vấn thiết kế hệ thống, các đơn vị có thể cùng sử dụng được hệ thống này. Khi đó thay vì mỗi đơn vị đầu tư riêng, gom lại 500 triệu đồng thì các đơn vị sử dụng chung còn 300 triệu đồng”, ông Quân gợi ý.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết trên địa bàn TP có nhiều chủ đầu tư BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao) quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội đã đầu tư hệ thống camera quan sát giao thông.

Theo đó, trong thời gian tới sẽ được kết nối về Trung tâm điều khiển giao thông TP. Thế nhưng để tránh tình trạng đầu tư manh mún, lãng phí, không đồng bộ về kỹ thuật, theo chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải TP, đơn vị đang dự thảo khung tiêu chuẩn kỹ thuật camera, vị trí lắp đặt và chủng loại camera có khả năng tích hợp kết nối về trung tâm điều khiển.

 

Theo Zing

Mời bạn xem thêm:

Danh sách các nút giao thông có lắp camera phạt “nguội” ở Hà Nội
Hà Nội: Ngày đầu tiên phạt "nguội" vi phạm giao thông qua camera
Cân 'tàng hình' quét xe quá tải ở cao tốc Hà Nội - Hải Phòng