1. Tích hợp nhiều thành phần
Các hãng công nghệ ngày càng chú trọng tới việc cung cấp các thiết bị thông minh có khả năng tích hợp và mở rộng với nhiêu thiết bị khác nhau. Xu hướng tích hợp thiết bị làm cho các giải pháp nhà thông minh nhanh chóng phổ biến dễ dàng sử dụng, tăng khả năng tiếp cận với mọi khách hàng thay vì chỉ phù hợp với những người có thu nhập cao như trước. Các thiết bị trong nhà thông minh bắt đầu giao tiếp với nhau, hoạt động như một nhóm thay vì các thiết bị riêng lẻ. Chẳng hạn trong nhà thông minh có thể trang bị loa Google Home, tích hợp cùng với hệ thống chiếu sáng thông minh cho phép ra lệnh mở đèn bằng giọng nói, hay cảm biến cửa kết hợp với tivi tự mở khi gia chủ về... Có thể nói kết nối là chìa khóa để mở rộng hệ thống nhà thông minh. Về tính dễ sử dụng, bạn không cần phải hiểu biết về công nghệ mà vẫn có thể sử dụng điện thoại thông minh kết nối wifi với ổ cắm thông minh cho phép điều khiển các thiết bị điện theo một kịch bản nhà thông minh nào đó.

2. Trí tuệ nhân tạo và IoT
Trí tuệ nhân tạo AI với các bước phát triển đột phá làm cho các trợ lý ảo như Amazon Alexa, Google Assistants hay Siri thông minh hơn, khả năng hiểu lệnh tốt hơn trong các giải pháp điều khiển bằng giọng nói. Các tiến bộ trong công nghệ IoT được ứng dụng vào các thiết bị gia dụng như tivi, tủ lạnh, máy giặt…, làm cho chúng thông minh hơn với khả năng kết nối, điều khiển và giám sát qua Internet và tích hợp trí tuệ nhân tạo AI nhận định thói quen và gợi ý người sử dụng

3. Công nghệ không chạm
Xu hướng này đang bắt đầu phổ biến trong nhà thông minh. Đại dịch Covid 19 là cú hích đẩy nhanh sự phát triển xu hướng công nghệ này. Các thiết bị thông minh trong nhà không cần chạm xuất hiện ngày càng nhiều nhờ việc tích hợp trực tiếp các cảm biến. Ví dụ như: máy rút nước rửa tay không chạm, chuông, khóa cửa không chạm

4. Bộ điều nhiệt thông minh
Sau loa thông minh, bộ điều nhiệt thông minh đã và đang là một trong những thiết bị công nghệ gia đình thông minh được sử dụng rộng rãi nhất. Thiết bị này dễ cài đặt và có thể tùy chỉnh theo nhiệt độ ưa thích cũng như thói quen của người sử dụng, cho phép lập lịch làm mát hay sưởi ấm phù hợp, dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ trong nhà, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

5. Công nghệ chăm sóc sức khỏe
Một xu hướng khác cũng được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19, đó là hệ thống nhà thông minh tích hợp các công nghệ chăm sóc sức khỏe. Ví dụ như: Ngoài chức năng điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với thói quen người dùng, bộ điều nhiệt thông minh còn tích hợp các tính năng như cảm biến độ ẩm, kiểm soát chất lượng không khí. Ngoài những tiện ích điều khiển và giám sát thông minh, hệ thống chiếu sáng trong ngôi nhà thông minh còn tích hợp công nghệ chiếu sáng lấy con người làm trung tâm - Human Centric Lighting (HCL), cho phép chiếu sáng phù hợp với chuyển động, cường độ và màu sắc mặt trời, phù hợp với nhịp sinh học của người ở. Chăm sóc sức khỏe tổng thể cho người ở trong nhà thông minh còn có các hệ thống lọc nước thông minh cho phép kiểm soát chất lượng nước, nhà vệ sinh thông minh trang bị các cảm biến để phân tích chất thải, trạng thái của da để cảnh báo các vấn đề liên quan đến sức khỏe.

6. Làm việc và tập luyện tại nhà
Trong đại dịch Covid-19, các biện pháp phong tỏa để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan đã buộc người dân phải làm việc và tham gia các hoạt động khác tại nhà. Các chuyên gia nhận định rằng cho dù đại dịch có qua đi thì xu hướng làm việc tại nhà cũng vẫn được tăng cường. Do đó, những cải tiến trong nhà thông minh để mang văn phòng về nhà đã thực sự được chú ý. Từ các công nghệ như cửa sổ khử tiếng ồn, hay sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để che đi không gian phòng khách khi thực hiện video call không chỉ là bước khởi đầu phát triển trong không gian này. Ngoài công việc, nhu cầu tập luyện của người ở trong ngôi nhà thông minh cũng được chú trọng. Các công nghệ phần mềm smart home tập luyện thông minh ngay trong ngôi nhà của mình đã dần xuất hiện như gương thông minh Mirror của Lululemon hay Smart Trainer của Samsung.

7. Kết nối tốc độ cao
Một trong các tiền đề cho những ngôi nhà thông minh trong tương lai là kết nối Internet tốc độ cao qua WiFi MESH. Vấn đề kết nối chậm và vùng chết xảy ra khi người ở rời khỏi tầm phủ sóng của bộ định tuyến sẽ là vấn đề của quá khứ khi sử dụng công nghệ WiFi MESH kết nối các bộ định tuyến hoạt động chung với nhau như một thể thống nhất. Toàn bộ ngôi nhà sẽ có kết nối tốc độ cao với phần còn lại là các thiết bị nhà thông minh đã lắp đặt.