Thả chó, rào tường, lắp camera canh trộm bưởi Diễn
Để chống trộm bưởi lộng hành những ngày giáp Tết, các chủ vườn tại làng Đức Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải huy động chó dữ, lắp camera, quây rào thép gai, tổ chức canh giữ 24/24 giờ.
Bưởi Diễn là một loại đặc sản nổi tiếng đất Bắc lâu nay. Bưởi có vỏ thơm, nước nhiều, ngọt mát, tép bưởi vàng, giòn nên được nhiều người ưa thích.
Vào những ngày giáp Tết Kỷ Hợi này, giá bưởi tại vườn dao động từ 50-70 ngàn/quả và luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Đây cũng chính là lý do mà người dân trồng bưởi mất ăn mất ngủ vì trộm bưởi hoành hành.
Một đêm mất 400 quả bưởi
Đây là vụ trộm bưởi lớn đến mức dân trong phường hầu như ai cũng nhớ vì nó xảy ra tại vườn bưởi của ông Nguyễn Đắc Đường, nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội vào tháng 12-2016. Hôm ấy, lợi dụng lúc trời tối, vườn bưởi không có người trông, kẻ trộm đã lẻn vào vườn hái trộm hơn 400 quả mang đi.
Người dân dựng hàng rào thép gai cao từ 2-3m để chống trộm bưởi. Ảnh: MAI HIỀN
Ông Đường kể lại: “Đó là những ngày giáp Tết, nhà có việc nên sau khi ăn cơm tối xong, tôi mới ra trông vườn được. Nào ngờ ra đến nơi đã thấy trộm vặt đến hơn nửa vườn. Ước tính số bưởi bị mất trộm khoảng 400 trái, thiệt hại hơn chục triệu đồng. Lúc đó mới có 8 giờ tối, đường vẫn có người qua lại mà không ngờ bọn chúng lại liều lĩnh đến thế”.
Một trường hợp khác tại phường Phúc Diễn cũng bị trộm ghé thăm và trộm đi hơn 300 quả vào tháng 11-2017. Theo chia sẻ của chủ vườn, lý do khiến vườn bưởi của ông bị trộm là do vườn nằm giữa cánh đồng ít người qua lại, không có chó dữ canh, người trông coi cũng không có. Bọn trộm vào vườn chỉ chọn lấy những quả to, đẹp, vứt lại những quả bé, xấu chỏng chơ dưới gốc.
Theo chia sẻ của những người dân trồng bưởi làng Đức Diễn, phường Phúc Diễn, từ tháng 10, tháng 11, khi bưởi ăn được thì trộm cũng bắt đầu hoạt động. Trộm thường hoạt động vào lúc nhá nhem tối khi mọi người về ăn cơm và vào khoảng tờ mờ sáng, lúc mọi người ngủ say nhất. Những vườn nằm sát ngoài đường, xa dân cư dễ bị trộm ghé thăm nhất.
“Khi phát hiện có trộm, người dân cũng chỉ dám hô hoán lên để bọn chúng dừng lại và rời đi mà không dám ra lấy lại vì sợ trộm mang theo hung khí, gây nguy hiểm đến tính mạng. Cách đây vài năm, một người ở làng Đăm (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ) đã bị trộm đánh tử vong vì ra giằng co, đòi lại số bưởi đã bị hái trộm” – một người dân cho hay.
Thả chó, rào tường, lắp camera chống trộm
Để chống trộm, các nhà vườn tại phường Phú Diễn đã đầu tư cột bê tông, quây rào dây thép gai cao từ 2-2,5m. Có nhà cẩn thận sau khi rào dây thép gai còn quây kín bằng bạt dứa để trộm không nhìn được vào trong vườn. Những nhà có điều kiện hơn thì lắp thêm camera để tiện theo dõi từ xa.
Thả chó để đuổi trộm. Ảnh: MAI HIỀN
Năm nay, vườn bưởi của bà Lê Thị Tâm (làng Đức Diễn) với khoảng hơn 100 gốc, cho chừng một vạn quả. Là giống bưởi Diễn cổ, chất lượng tốt, mã đẹp nên từ tháng 11 vườn bưởi nhà bà đã có khách tìm đến đặt hàng sớm. Lo sợ trộm tấn công, bà đã đầu tư hàng chục triệu đồng dựng hàng rào thép gai, thắp điện, xây chòi ngủ và thả chó canh giữ.
“Vườn rộng gần 3.000m2, tôi cho dựng rào thép gai toàn bộ xung quanh, đoạn nào sát đường lớn thì rào thép gai sẽ được dựng cao hơn. Ngoài ra vợ chồng tôi cũng phải kéo điện thắp sáng cả đêm để trộm thấy có người mà không dám vào. Hai bố con cứ thay phiên nhau túc trực, canh chừng cả đêm cả ngày. Đàn chó 20 con cũng được thả ra để giữ vườn. Nhờ trông giữ gắt gao như vậy nên năm nay vườn nhà tôi chưa bị trộm quả nào” - bà Tâm cho biết.
Gần đó là vườn của ông Nguyễn Văn Dũng, ba con chó to đã được ông thả ra thám thính quanh vườn. Khách vừa đến cổng, đàn chó đã xồ ra sủa ầm ĩ, chạy vòng quanh khiến khách hoảng hồn. “Ở đây có nhà nào mà không từng bị mất trộm bưởi. Thế nên các phương án như chó dữ , dựng hàng rào, thắp điện, xây chòi canh… đều được tận dụng tối đa. Nhờ vậy mà số vụ trộm cũng giảm đi nhiều” - ông Dũng cho hay”.
Viết bình luận: